Bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt làm tăng số lượng tế bào bạch cầu trong máu, nên còn gọi là bệnh bạch cầu tủy mạn tính. Những tiến bộ trong điều trị đã cải thiện tiên lượng cho những người mắc bệnh. Hầu hết người bệnh có thể thuyên giảm và sống trong nhiều năm sau khi được chẩn đoán.
Các lựa chọn điều trị cho những người mắc bệnh này phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, độ tuổi, các yếu tố tiên lượng khác và khả năng tìm được người hiến tế bào gốc có loại mô phù hợp...
1. Các thuốc điều trị bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt
1.1. Thuốc ức chế tyrosine kinase (TKI)
- Tác dụng: Các thuốc ức chế tyrosine kinase được sử dụng như phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh leukiemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML). Đây là những loại thuốc có dạng viên nén, uống hàng ngày, có thể giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Các thuốc bao gồm: Imatinib, dasatinib, nilotinib, bosutinib, ponatinib, asciminib...

Nhiều thuốc được dùng trong điều trị bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt.
- Tác dụng phụ: Tùy thuộc vào từng trường hợp người bệnh có thể gặp cảm giác cực kỳ mệt mỏi, các vấn đề về gan, phát ban trên da, ngứa da đầu, chuột rút, đau khớp, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, phù nề... Những trường hợp không có đủ tế bào bạch cầu khỏe mạnh có khả năng dễ bị nhiễm trùng hơn. Số lượng tiểu cầu thấp, có thể bị bầm tím hoặc chảy máu bất thường...
Lưu ý:
+ Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi đang uống thuốc chế tyrosine kinase, cần báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn cách kiểm soát các triệu chứng, chỉnh liều lượng thuốc đang dùng hoặc chuyển sang thuốc ức chế tyrosine kinase khác.
+ Đặt báo thức để nhớ thời điểm cần uống thuốc.
+ Tránh ăn bưởi, uống nước ép bưởi hoặc dùng thuốc kháng axit trong khi đang dùng thuốc chế tyrosine kinase vì chúng có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ thuốc.
+ Thuốc chế tyrosine kinase cũng có thể tương tác với thuốc điều trị các bệnh khác. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng.
+ Phải trao đổi kỹ với bác sĩ nếu buộc phải giảm liều, tạm dừng điều trị, thậm chí ngừng uống thuốc chế tyrosine kinase hoàn toàn để kiểm soát các tác dụng phụ hoặc đang có kế hoạch sinh con.
1. 2. Hydroxycarbamide
- Tác dụng: Nếu số lượng bạch cầu rất cao hoặc bệnh nhân có nhiều triệu chứng và cảm thấy không khỏe, có thể dùng hydroxycarbamide. Thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng và ổn định số lượng máu cho đến khi có thể chuyển sang phương pháp điều trị khác. Thuốc chỉ cần dùng một liều nhỏ trong thời gian ngắn.
- Tác dụng phụ: Hydroxycarbamide có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư da, vì vậy hãy luôn tuân thủ lời khuyên về an toàn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và trao đổi với bác sĩ nếu có kế hoạch sinh con.
1. 3. Interferon
- Tác dụng: Interferon là một phương pháp thay thế tạm thời cho thuốc chế tyrosine kinase dùng cho bà bầu, vì thuốc an toàn khi dùng trong thời kỳ mang thai.
- Tác dụng phụ: Một số người có thể bị trầm cảm trong khi dùng interferon, cần báo ngay cho bác sĩ nếu thấy bất kỳ thay đổi nào về tâm trạng.

Việc phát hiện, điều trị kịp thời đúng cách giúp thuyên giảm bệnh và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
2. Các phương pháp khác
- Lọc bạch cầu: Nếu số lượng tế bào bạch cầu rất cao, kèm một số triệu chứng như mờ mắt, có thể dùng phương pháp lọc bạch cầu để loại bỏ một số tế bào bạch cầu khỏi cơ thể nhằm kiểm soát bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt.
- Ghép tế bào gốc: Ghép tế bào gốc thường chỉ được khuyến nghị cho những người không đáp ứng với các loại thuốc chế tyrosine kinase. Để thực hiện ghép tế bào gốc cần cân nhắc các yếu tố như tuổi tác, mức độ thể lực, lối sống và bất kỳ tình trạng bệnh lý khác có thể mắc phải.
Trong trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt giai đoạn chuyển cấp hoặc đang tiến triển sang giai đoạn chuyển cấp, có thể cân nhắc sử dụng hóa trị liệu chuyên sâu, sau đó là ghép tế bào gốc.
3. Lưu ý khi điều trị
Để điều trị an toàn hiệu quả, cần thực hiện:
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Tuyệt đối không tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Tái khám đúng lịch.
- Trong khi dùng thuốc nếu có triệu chứng bất thường nào cần báo cho bác sĩ để kịp thời xử trí, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ghép tế bào gốc: Hồi sinh cho bệnh nhân ung thư máu.