Hà Nội

Thuốc trị bệnh lang ben

ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo

ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo

22-03-2024 10:33 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lang ben là một bệnh nấm nông ngoài da với các biểu hiện khởi đầu bằng những chấm màu hồng, nâu hoặc trắng ở trên bề mặt da. Sau đó, các chấm lớn dần về kích thước và có hiện tượng lan rộng thành từng mảng lớn, ranh giới rõ phân biệt với vùng da lành.

Bài viết này được tham vấn bởi Hội đồng thẩm định   

Vị trí thường gặp ở lưng, ngực, cổ, đôi khi ở mặt. Một số trường hợp gặp ở chân tay và thân mình. Bệnh không gây đau, không ngứa (hoặc ngứa ít khi ra mồ hôi), nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến người mắc phải thiếu tự tin trong cuộc sống.

1. Các thuốc điều trị lang ben

Trên thực tế, một số trường hợp lang ben có thể tự thuyên giảm, nhưng đa số bệnh có thể kéo dài nếu không được điều trị.

Thuốc dùng trong điều trị lang ben gồm:

1.1. Thuốc bôi điều trị tại chỗ

- Ketoconazole 2%: Ketoconazole 2% thuộc nhóm thuốc kháng nấm, được chỉ định dùng trong các trường hợp điều trị các bệnh nấm ở da như nấm da toàn thân (lác, hắc lào), nấm da đùi, nấm bẹn, nấm bàn tay, nấm bàn chân, nhiễm nấm Candida ở da và lang ben.

Trong trường hợp người bệnh thoa thuốc quá liều hoặc liều cao trên da, có thể xuất hiện một số triệu chứng như ban đỏ, cảm giác nóng da, phù. Tuy nhiên các triệu chứng này có thể biến mất ngay sau khi ngừng bôi thuốc lên da. Nếu nuốt phải thuốc khi bôi, có thể dẫn đến ngộ độc.

Chống chỉ định ketoconazole 2% trong trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Không bôi thuốc vào vùng mắt và mắt.

- Ciclopirox 1%: Ciclopirox 1% cũng là một loại thuốc kháng nấm thường được chỉ định trong điều trị nấm lang ben và các loại nấm ngoài da khác.

Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng ciclopirox bao gồm ngứa, cảm giác nóng rát thoáng qua hoặc đau tại vị trí bôi thuốc. Nếu xảy ra kích ứng hoặc nhạy cảm, nên ngừng bôi thuốc và tham khảo ý kiến bác sĩ để có lời khuyên cụ thể.

Thuốc dùng ngoài, không được nuốt, không bôi lên mắt, miệng, âm đạo. Chống chỉ định với các trường hợp mẫn cảm với ciclopirox. Thận trọng khi dùng thuốc ở các bệnh nhân bị đái tháo đường phụ thuộc insulin hoặc những bệnh nhân mắc bệnh thần kinh do đái tháo đường. Thuốc cần dùng đủ thời gian liệu trình ngay cả khi triệu chứng có thuyên giảm để tránh kháng thuốc.

- Terbinafine 1%: Terbinafine là thuốc điều trị các bệnh nhiễm nấm, trong đó bao gồm lang ben. Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp các phản ứng phụ như bong da, ngứa, nổi bản đỏ, nóng rát…

Chống chỉ định trong các trường hợp mẫn cảm với thuốc. Thuốc chỉ được dùng ngoài da, không để tiếp xúc với mắt, dùng trong âm đạo hoặc uống. Sau khi bôi thuốc, nên tránh mặc quần áo chật hoặc băng bó quá kín, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Thuốc trị bệnh lang ben- Ảnh 1.

Khi sử dụng thuốc bôi trị lang ben, không thoa lên mắt, miệng, không được nuốt.

1.2. Thuốc điều trị đường uống (toàn thân)

Trường hợp người bệnh đã dùng thuốc bôi ngoài da nhưng thất bại, tổn thương lan rộng hoặc bệnh hay tái phát, bác sĩ có thể chỉ định một trong số các thuốc uống sau đây:

- Itraconazole: Đây là một loại thuốc kháng nấm, thường được chỉ định để điều trị một số bệnh nhiễm nấm như lang ben. 

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc itraconazole bao gồm chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng, táo bón, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, các tác dụng phụ ít gặp có thể kể đến như ngứa, ban đỏ, phù mạch, hội chứng Stevens – Johnson…

Chống chỉ định sử dụng thuốc trong các trường hợp sau: Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc; người bệnh đang điều trị bằng các thuốc terfenadin, cisapride, astemizol, triazolam dạng uống, midazolam dạng uống; phụ nữ mang thai hoặc dự định có thai. Không sử dụng đồng thời cùng với một số thuốc nhóm chống loạn nhịp, các thuốc hạ lipid máu nhóm statin.

- Fluconazole: Fluconazole là một loại thuốc chống nấm, được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do các loại nấm khác nhau gây ra, trong đó bao gồm bệnh lang ben.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc fluconazole là cảm thấy buồn nôn và tiêu chảy. Đặc biệt khi dùng thuốc trên 7 ngày, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ói mửa, đau bụng, nổi ban, ngứa da.

Thuốc có thể được sử dụng ở cả người lớn và trẻ em. Song, những trường hợp sau đây chống chỉ định sử dụng thuốc: Người mẫn cảm với thuốc; người có bệnh tim, bao gồm các vấn đề về nhịp tim (rối loạn nhịp tim); có vấn đề về thận hoặc gan; xét nghiệm máu cho thấy nồng độ kali, canxi hoặc magiê bất thường; người mắc rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính…

Thuốc trị bệnh lang ben- Ảnh 2.

Thuốc uống trị lang ban được bác sĩ chỉ định trong trường hợp điều trị với thuốc bôi ngoài da không đạt hiệu quả.

2. Những lưu ý khi dùng thuốc

Đối với các loại thuốc bôi ngoài da, khi dùng cần lưu ý không để thuốc dính vào mắt, mũi hay miệng. Cần làm sạch da và lau khô vùng da cần điều trị trước khi bôi thuốc.

Chỉ nên thoa lớp thuốc mỏng lên da hoặc vị trí da bị bệnh theo liều lượng 1-2 lần trong ngày. Thời gian bôi thường trong 2 tuần (theo chỉ định của bác sĩ). Cần chú ý đến một vài tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như cảm giác nóng rát hoặc kích ứng da, dị ứng chỗ bôi thuốc. Khi quá liều như thoa thuốc quá nhiều trên da có thể gây ban đỏ, phù và cảm giác nóng bỏng. Những triệu chứng này sẽ mất khi ngừng bôi thuốc.

Đối với các loại thuốc uống (toàn thân), chỉ dùng trong trường hợp thất bại với điều trị tại chỗ, tổn thương lan rộng, bệnh hay tái phát. Do thuốc chống nấm thường độc với gan nên người bệnh có vấn đề về gan cần thông báo cho bác sĩ biết, hoặc phải đánh giá chức năng gan trước khi dùng thuốc.

Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng theo liệu trình mà bác sĩ đã chỉ định về liều lượng, số lần bôi trong ngày và liệu trình điều trị. Không tự ý ngưng thuốc khi thấy các triệu chứng được cải thiện (bởi các triệu chứng rất có thể cải thiện trước khi nhiễm khuẩn được xóa hoàn toàn). Cần dùng thuốc đều đặn, vì liều bỏ qua cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, hơn nữa có khả năng kháng thuốc chống nấm.

Đối với những bệnh nhân hay tái phát nên điều trị dự phòng, đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm với các thuốc bôi như ketoconazol hoặc uống itraconazole…

Ngoài ra, trong quá trình trị liệu, người bệnh cần lưu ý tránh nhiệt độ quá cao, hạn chế việc ra mồ hôi của cơ thể, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng nhiều, có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, không dùng chung đồ đạc (vì đây là bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc hoặc qua dùng chung đồ như quần áo, khăn tắm, vật dụng cá nhân...).

Lang ben là bệnh nấm da phổ biến, thường mắc ở độ tuổi thanh thiếu niên. Bệnh đáp ứng tốt với điều trị thông thường, tuy nhiên tỷ lệ tái phát cao nên vấn đề điều trị dự phòng và tư vấn cho bệnh nhân đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, người bệnh nên đi khám chuyên khoa da liễu để được dùng thuốc đúng và tư vấn bác sĩ trực tiếp khám và điều trị.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Làm thế nào để phòng tránh đột quỵ? | SKĐS


ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo
Ủy viên Ban chấp hành Hội Da liễu Việt Nam
Ý kiến của bạn