Thuốc trị bàng quang tăng hoạt

22-03-2024 14:48 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh bàng quang tăng hoạt (OAB) thường được điều trị thông qua thay đổi lối sống như chế độ ăn uống, luyện tập. Tuy nhiên, khi cần có thể phải dùng đến thuốc…

Khi bị bàng quang tăng hoạt người bệnh thường có 1 hoặc các triệu chứng như:

  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Có cảm giác muốn đi tiểu mạnh mà bạn không thể nhịn được
  • Rò rỉ nước tiểu khi không thể đi vệ sinh kịp thời
  • Thức dậy đi tiểu nhiều lần trong đêm…

1. Thuốc trị bàng quang tăng hoạt

Các thuốc trị bàng quang tăng hoạt giúp giữ cho cơ bàng quang thư giãn trong khi bàng quang đầy lên. Điều này cho phép bàng quang chứa được nhiều nước tiểu hơn giữa những lần đi vệ sinh, cải thiện triệu chứng bệnh.

1.1 Thuốc không cần kê đơn (OTC)

Miếng dán oxytrol (oxybutynin) là loại thuốc không kê đơn duy nhất được phê duyệt cho bệnh bàng quang hoạt động quá mức (OAB). Thuốc được dán lên da nhưng chỉ dành cho phụ nữ. Đối với nam giới, thuốc có ở dạng kê đơn oxytrol.

Oxybutynin là một loại thuốc kháng cholinergic. Sau khi dán, miếng dán oxytrol sẽ tồn tại trong 4 ngày, sau đó cần phải thay thế. Mỗi lần chỉ dùng 1 miếng dán.

Tác dụng phụ của oxytrol có thể bao gồm mẩn đỏ hoặc ngứa nhẹ ở nơi dán. Ngoài ra thuốc cũng có thể gây ra các tác dụng phụ kháng cholinergic phổ biến khác, như khô miệng. Do dùng dán ngoài da nên khả năng hấp thu hạn chế, do đó, tác dụng phụ kháng cholinergic thường ít gặp hơn so với dùng đường uống.

1.2. Thuốc kê đơn trị bàng quang tăng hoạt

Trong trường hợp thay đổi lối sống và dùng miếng dán OTC không hiệu quả bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc.

Thuốc trị bàng quang tăng hoạt- Ảnh 1.

Trong trường hợp thay đổi lối sống và dùng miếng dán OTC không hiệu quả bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc trị bàng quang tăng hoạt.

- Thuốc kháng cholinergic

Thuốc kháng cholinergic là một nhóm thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn acetyicholine, một chất hóa học trong cơ thể. Acetylcholine thường kích thích cơ bàng quang co lại, khiến bạn mót đi tiểu. Ngăn chặn hóa chất này giúp kiểm soát các cơn co thắt bàng quang.

Thuốc kháng cholinergic đường uống thường được kê đơn cho OAB bao gồm:

  • Oxybutynin (Ditropan)
  • Tolterodine (Detrol, Detrol LA)
  • Fesoterodine (Toviaz)
  • Trospium
  • Solifenacin (Vesicare)
  • Darifenacin (Enablex)…

Khi cần dùng thuốc cho OAB, thuốc kháng cholinergic đường uống là lựa chọn đầu tiên. Một số thuốc kháng cholinergic cũng có sẵn dưới dạng công thức giải phóng kéo dài (ER). Nghĩa là giải phóng thuốc dần dần theo thời gian, do đó ít nguy cơ tác dụng phụ hơn, đặc biệt là khô miệng.

Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc kháng cholinergic là: Khô miệng, táo bón, buồn ngủ, mờ mắt, buồn nôn… Thuốc kháng cholinergic cũng có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn. Do đó, nên tránh dùng các thuốc này ở người lớn tuổi nếu có thể.

- Thuốc chủ vận adrenergic beta-3

Thuốc chủ vận adrenergic beta-3 là một nhóm thuốc hoạt động bằng cách kích hoạt các thụ thể protein trong cơ bàng quang, giúp chúng thư giãn, giảm kích thích, tăng khả năng chứa đựng nước tiểu.

Hai chất chủ vận adrenergic beta-3 có sẵn để điều trị OAB là mirabegron (myrbetriq) và vibegron (gemtesa). Thuốc kháng cholinergic và thuốc chủ vận adrenergic beta-3 có thể được sử dụng cùng nhau như một liệu pháp kết hợp trong những trường hợp OAB nặng.

Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc chủ vận adrenergic beta-3 là: Tăng huyết áp, táo bón, khô miệng, kích ứng xoang, đau đầu, chóng mặt…

Mặc dù cả hai nhóm thuốc đều có thể gây khô miệng, nhưng thuốc chủ vận adrenergic beta-3 có nguy cơ này thấp hơn. Ngoài ra, hãy nhớ rằng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ này phụ thuộc vào liều lượng thuốc.

2. Lưu ý khi dùng thuốc trị bàng quang tăng hoạt

Khi dùng thuốc trị bệnh bàng quang tăng hoạt, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

- Thuốc trị bàng quang tăng hoạt không phù hợp với tất cả mọi người: Những người có các tình trạng sức khỏe sau đây nên cho bác sĩ biết và thận trọng trước khi sử dụng thuốc điều trị OAB:

+ Tim đập nhanh, nhịp tim không đều hoặc các vấn đề về điện tim khác cần thận trọng khi sử dụng thuốc. Hai loại thuốc trị OAB là solifenacin và tolterodine gây kéo dài quảng QT và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này. Tuy nhiên, trong công thức thuốc giải phóng kéo dài của tolterodine ít có nguy cơ biến chứng tim hơn.

+ Người có vấn đề về thận có thể phải dùng trospium, tolterodine, fesoterodine hoặc solifenacin với liều lượng thấp hơn.

+ Người có vấn đề về gan, cần dùng liều darifenacin, solifenacin hoặc tolterodine thấp hơn. Tuyệt đối không nên dùng fesoterodine nếu bạn có vấn đề nghiêm trọng về gan.

+ Đối với người mắc bệnh tăng nhãn áp, bí tiểu hoặc bệnh về đường tiêu hóa, nên tránh tất cả các loại thuốc kháng cholinergic trong hầu hết các trường hợp.

- Tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc mà bác sĩ chỉ định: Người bệnh không tự ý tăng giảm liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

- Theo dõi và ghi nhận các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như buồn nôn, nôn mệt, đau bụng, tiểu buốt, tiểu rắt... Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào không mong muốn, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo thuốc đang hoạt động hiệu quả và không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

- Hạn chế uống rượu và các chất kích thích khác khi đang dùng thuốc.

- Đảm bảo uống đủ nước (trừ khi bác sĩ khuyến cáo không nên) để giúp thận hoạt động tốt.

Để điều trị bàng quang tăng hoạt, người bệnh có thể bắt đầu với một số thay đổi lối sống nhất định để giúp giảm các triệu chứng OAB của mình. Nếu việc thay đổi lối sống không có tác dụng, có thể cân nhắc thử dùng thuốc OAB.

Các loại thuốc OAB tốt nhất hiện có là thuốc kháng cholinergic và thuốc chủ vận adrenergic beta-3. Tuy nhiên, thuốc cần được bác sĩ kê đơn và có sự cân nhắc khi dùng chúng cùng với các loại thuốc và tình trạng sức khỏe tiềm năng khác của người bệnh.

Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trịBàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

SKĐS - Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng tiểu gấp, thường đi kèm với tăng số lần tiểu ngày và/hoặc tiểu đêm, có tiểu són hoặc không có tiểu són.


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn