Tuy nhiên, hiện nay có nhiều phụ nữ vẫn chưa hiểu biết hết về các lợi ích, độ an toàn cũng như các tác dụng không mong muốn của thuốc. Vì thế, nhiều hậu quả đáng tiếc đã xảy ra khi sử dụng TTTKC.
Tại sao cần thuốc TTKC?
Những nguyên nhân phổ biến nhất cần đến thuốc TTKC bao gồm tránh thai thất bại (thủng bao cao su hoặc quên uống thuốc tránh thai hàng ngày) và không sử dụng bất kỳ hình thức tránh thai nào khác.
Các loại thuốc TTKC hiện có
Thuốc TTKC đường uống phổ biến nhất là viên progestin đơn thuần chứa 1,5mg levonorgestrel. Cần phải dùng thuốc trong vòng 72 giờ sau khi quan hệ không được bảo vệ nhưng tốt nhất nên sử dụng càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục. Phác đồ sử dụng hai liều levonorgestrel 0,75mg: liều đầu tiên dùng trong vòng 72 giờ, liều thứ hai cách liều đầu tiên 12 giờ, nhưng hiện nay ít được sử dụng và chỉ giới hạn cho phụ nữ trên 17 tuổi.
Một thuốc TTKC thứ hai là viên chứa 30mg ulipristal acetate và cần đơn của bác sĩ. Thuốc được chứng minh có hiệu quả lên đến 120 giờ sau khi QHTD không an toàn. Ngoài ra, trên thị trường còn phổ biến loại TTKC mới chứa 10mg mifepriston (một steroid kháng progesterone), dùng trong vòng 120 giờ sau khi quan hệ không an toàn.
Không nên sử dụng thuốc TTKC như một biện pháp tránh thai kéo dài.
Thuốc TTKC có gây ảnh hưởng đến cơ thể?
Thuốc TTKC không gây tử vong hay biến chứng nặng nề nào. Đau đầu (19%) và buồn nôn (12%) là tác dụng phụ hay gặp nhất của thuốc TTKC. Một số người sẽ có hiện tượng ra máu bất thường nhưng sẽ tự ngưng khi ngừng sử dụng thuốc TTKC mà không cần điều trị. Một số tác dụng phụ khác trong thời gian ngắn được ghi nhận như căng tức vú, đau bụng, chóng mặt và mệt mỏi nhưng thường biến mất trong vòng một vài ngày.
Thuốc TTKC không có hiệu quả nếu người phụ nữ đã mang thai và không có bằng chứng cho rằng thuốc TTKC có hại cho thai nhi hay làm tăng nguy cơ đối với sản phụ.
Thuốc TTKC có an toàn nếu sử dụng liên tục?
Không có bằng chứng về sự an toàn của các thuốc TTKC hiện có nếu sử dụng thường xuyên trong thời gian dài. Tuy nhiên, thuốc TTKC đường uống có thể sử dụng nhiều hơn một lần/tháng. Thuốc TTKC nội tiết ít có hiệu quả tránh thai dài hạn so với hầu hết các phương pháp có sẵn khác. Thêm vào đó, sử dụng thuốc TTKC nội tiết lâu dài sẽ dẫn tới việc tiếp xúc với tổng lượng hormon cao hơn so với việc sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, dẫn đến tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt. Do đó, thuốc TTKC không nên sử dụng như một biện pháp tránh thai kéo dài.
Tương tác thuốc khi sử dụng thuốc TTKC
Một số thuốc cảm ứng enzym gan có khả năng làm tăng chuyển hóa levonogestrel, do đó làm giảm hiệu quả tránh thai của thuốc. Nếu bệnh nhân đang điều trị với những loại thuốc chống co giật (carbamazepin, phenytoin, phenobarbital, primidon), kháng virut (ritonavir, efavirenz), kháng nấm (griseofulvin), lao (rifampicin, rifabutin) nên chuyển sang phương pháp tránh thai bằng dụng cụ tử cung chứa đồng, hoặc bao cao su... Nếu bệnh nhân không thực hiện được biện pháp trên, liều dùng của levonogestrel được khuyến cáo tăng gấp đôi nhằm bù vào nồng độ thuốc giảm đi trong huyết tương của levonogestrel.
Lời khuyên khi dùng thuốc
Bệnh nhân nên dùng thuốc càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả tối ưu. Nếu bị nôn trong vòng 3 giờ sau khi uống thuốc, cần phải uống lại liều thuốc khác.
Chu kì kinh nguyệt tiếp theo có thể sớm hơn hoặc muộn hơn bình thường. Nếu kinh nguyệt ít hơn, ngắn hơn hoặc nhiều hơn 3 ngày so với bình thường, bệnh nhân cần phải đi khám chuyên khoa để xác định tình trạng có thai.
Thuốc TTKC không bảo vệ người sử dụng phòng tránh được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Không dùng thuốc TTKC chứa levonorgestrel cho phụ nữ đang mang thai (vì không tác dụng), những người bị rối loạn chức năng gan nặng (ảnh hưởng đến chuyển hóa thuốc) hoặc có rối loạn hấp thu nặng (bệnh Crohn).
Không dùng viên tránh thai chứa mifepriston ở những bệnh nhân đang điều trị lâu dài với corticoid (hội chứng thận hư, hen, lupus ban đỏ,...) vì làm giảm tác dụng của corticoid, không dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú (vì mifepriston tiết qua sữa mẹ), mẫn cảm với thuốc.