Thuốc tốt từ quả nhãn

11-08-2011 08:25 | Y học cổ truyền
google news

Nhãn là loại quả ngon được trồng phổ biến khắp nơi trên đất nước ta, nhưng nhiều và ngon nhất là nhãn ở Hưng Yên. Bộ phận thường được dùng làm thuốc là long nhãn (cùi nhãn đã được phơi hay sấy khô). Long nhãn còn có tên khác là lệ chi nô, á lệ chi...

Nhãn là loại quả ngon được trồng phổ biến khắp nơi trên đất nước ta, nhưng nhiều và ngon nhất là nhãn ở Hưng Yên. Bộ phận thường được dùng làm thuốc là long nhãn (cùi nhãn đã được phơi hay sấy khô). Long nhãn còn có tên khác là lệ chi nô, á lệ chi...

Mùa hè, vào tháng 7-8, khi nhãn chín chọn quả to, cùi dày, để nguyên vỏ đem phơi nắng to, hoặc sấy nhẹ lửa, cho đến khi lắc quả có tiếng kêu lóc cóc bên trong. Đem bóc vỏ, bỏ hạt, lấy cùi, rồi sấy nhẹ lửa (50 - 60o C) cho đến khi khô, sờ không dính tay. Long nhãn có mùi thơm, vị ngọt đậm đặc biệt. Loại long nhãn cùi dày, khô, to mảnh, nhuận mềm, màu vàng cánh gián, có mùi thơm, không chua, không lẫn các tạp chất khác, không mốc, sờ không dính tay, nếm vị ngọt đậm là tốt. Loại long nhãn cùi mỏng (nhãn trơ) màu nâu nhạt là kém.

 Long nhãn.

Theo y học cổ truyền, long nhãn là một vị thuốc có tác dụng dưỡng huyết, an thần, vào hai kinh tâm và tỳ, thường được dùng chữa suy nhược cơ thể, bổ thần kinh, mệt mỏi, mất ngủ, hay quên, hoảng hốt,... Liều dùng hằng ngày 6 - 15g dưới dạng thuốc sắc, chế cao hoặc ngâm rượu uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với những vị thuốc khác.

Một số bài thuốc sử dụng long nhãn:

Chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu: Long nhãn 15g , hạt sen 20g, hồng táo 15g, lạc nhân 15g, gạo nếp 50g. Tất cả các vị trên cho vào nồi để nấu cháo ăn ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Dùng 10-15 ngày.

Bổ tâm, an thần:  Long nhãn 200g, liên nhục 200g, táo tàu 200g, táo nhân 200g, hoài sơn 200g, lá vông nem 150g, cam thảo 130g. Long nhãn, táo tàu, lá vông nem nấu thành cao lỏng; liên nhục, hoài sơn, táo nhân sao giòn, tán nhỏ, rây bột mịn. Trộn cao và bột, đánh đều, làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 20-40 viên chia làm 2 lần.

 Chè sen.

Chữa mất ngủ:  Long nhãn 50g, sắc uống. Hoặc: Long nhãn 9g, toan táo nhân 9g, khiếm thực 15g, sắc uống trước khi đi ngủ.

Chữa thiếu máu, mất ngủ, thể trạng mệt mỏi: Long nhãn 16g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 16g. Sắc uống ngày một thang, chia hai lần, uống ấm. Dùng 10 - 15 ngày.

Chữa kém ăn, mất ngủ, mồ hôi trộm, mệt nhọc: Cao ban long 40g, long nhãn 50g. Sắc long nhãn với nước. Thái nhỏ cao ban long cho vào nước sắc long nhãn. Đun nóng để hòa tan. Để nguội, thái thành từng miếng mỏng. Trước khi đi ngủ tối và sáng sớm uống mỗi lần 10g cao này.

Chè long nhãn, hạt sen: Hạt sen lột vỏ bỏ tim, luộc chín. Long nhãn ngâm nước khoảng 10 phút cho nở mềm. Hòa nước luộc hạt sen với nước lã cho đủ 1 lít nước, cho đường vào, đặt lên bếp nấu sôi cho đường tan, cho hạt sen và long nhãn vào đun sôi nhỏ lửa khoảng 10 là dùng được. Món chè này có vị ngọt thanh mát thích hợp dùng trong những ngày hè nóng nực, rất tốt với những người thiếu máu, mệt mỏi, mất ngủ   

 Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Siêm (Chủ tịch Hội Ðông y Hà Nội)


Ý kiến của bạn