Thuốc tim mạch dùng sao cho an toàn?

08-10-2019 11:33 | Dược

SKĐS - Thị trường thuốc tim mạch rất phong phú và đa dạng. Đây là những thuốc dùng theo đơn của bác sĩ và cần phù hợp với từng người bệnh cụ thể. Vì vậy, khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc, điều quan trọng ở người bệnh là dùng sao cho an toàn, tránh hoặc khắc phục được những biến cố bất lợi có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc.

Thuốc trị tăng huyết áp

Có rất nhiều nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp như: Thuốc lợi tiểu,  thuốc chẹn beta, chất ức chế ACE, thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn alpha, chất chủ vận thụ thể Alpha-2, nhóm thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương… Mỗi nhóm thuốc bên cạch tác dụng trị bệnh thì đi kèm theo đó là những bất lợi có thể xảy ra mà người dùng cần lưu ý. Ví  dụ:

Đối với nhóm lợi tiểu (hydrochlorothiazide, chlorothiazide, indapamide, metolazone; amiloride, spironolactone, triamterene, eplerenone…), tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: Chóng mặt, chuột rút, nôn, táo bón, tiêu chảy, mất cân bằng điện giải, tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời… Những người dùng thuốc lợi tiểu cũng có thể bị giảm ham muốn tình dục, mặc dù điều này ít phổ biến hơn.

Thuốc chẹn beta (atenolol, propranolol, nadolol…) có thể gây: Mệt mỏi, chóng mặt, tay chân lạnh, khô miệng… Tác dụng phụ ít gặp hơn bao gồm: Nhịp tim chậm, khò khè hoặc khó thở, sưng tay hoặc chân, phát ban hoặc ngứa da, mất ngủ, phiền muộn, huyết áp thấp…

Đối với chất ức chế ACE (benazepril, captopril, enalapril…), ho khan là bất lợi phổ biến nhất. Ngoài ra, thuốc có thể gây mất vị giác, vị kim loại trong miệng, ăn không ngon miệng, rối loạn dạ dày, tiêu chảy, táo bón, đau đầu, mệt mỏi…

Thuốc tim mạch dùng sao cho an toàn?Người bệnh tăng huyết áp cần dùng thuốc đều đặn.

Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (azilsartan, candesartan, losartan, olmesartan, valsartan…) có thể gây nhức đầu và chóng mặt.  Tác dụng phụ ít phổ biến hơn bao gồm: Đau bụng, đau khớp, đau họng, ho, tiêu chảy, sốt, mệt mỏi, hồi hộp, đau lưng

Thuốc chẹn canxi (nifedipin, amlodipin, verapamin…) gây mệt mỏi, sưng bàn chân hoặc mắt cá chân. Tác dụng phụ ít phổ biến hơn bao gồm: Đánh trống ngực, buồn nôn, chóng mặt, khó thở, đau dạ dày, táo bón, phát ban hoặc ngứa da... Uống nước bưởi trong khi dùng một số thuốc chẹn kênh canxi có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ…

Việc dùng thuốc huyết áp loại nào bác sĩ sẽ phải căn cứ cụ thể vào nguyên nhân cơ bản gây ra tăng huyết áp, các bệnh mắc kèm cũng như các loại thuốc mà người bệnh đang dùng (nếu có)… Bất cứ ai gặp phải tác dụng phụ hoặc không thể chịu đựng được từ thuốc huyết áp, cần phải thông báo cho bác sĩ biết để có thể được xử lý hoặc thay thế thuốc thích hợp hơn.

Thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp nhằm giúp người bệnh kiểm soát huyết áp trong giới hạn mục tiêu, chứ không phải chữa trị được dứt điểm căn bệnh này. Ngay cả khi huyết áp trở về bình thường, người bệnh không nên tự ý ngừng thuốc, vì nếu ngừng điều trị, huyết áp có thể tăng đột ngột và gây ra những rủi ro cho sức khỏe.

Thuốc trị mỡ máu

Statin là nhóm thuốc phổ biến dùng hạ mỡ máu, có tác dụng ngăn chặn hoạt chất mà gan cần sử dụng để tổng hợp cholesterol, điều này làm cho gan loại bỏ cholesterol trong máu. Statin cũng có thể giúp cơ thể tái hấp thu mảng xơ vữa lắng đọng trên thành mạch, cải thiện bệnh mạch vành. Các thuốc thuộc nhóm statin bao gồm  atorvastatin, fluvastatin, lovastatin, pitavastatin, pravastatin,  rosuvastatin và simvastatin.

Khi dùng các thuốc nhóm statin, người bệnh có thể gặp một số bất lợi sau: Đau đầu, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, phát ban… Hai tác dụng phụ nghiêm trọng nhất là suy gan và tổn thương cơ xương. Tuy nhiên, cả hai bất lợi này đều hiếm khi xảy ra.

Một số statin sẽ có tác dụng tốt nhất khi uống vào buổi tối trong khi một số khác lại hoạt động tốt vào buổi sáng. Vì vậy, thời gian tốt nhất để dùng statin phụ thuộc vào loại thuốc cụ thể:

Đối với loại statin tác dụng ngắn (lovastatin, fluvastatin, simvastatin), nên uống vào buổi tối, vì men gan tạo ra cholesterol hoạt động mạnh hơn vào thời điểm này. Hầu hết các statin tác dụng ngắn có thời gian bán hủy là 6 giờ. Thời gian bán hủy của thuốc là thời gian cần thiết để cơ thể xử lý và loại bỏ một nửa số thuốc.

Đối với statin loại tác dụng dài như atorvastatin, fluvastatin (viên nén giải phóng kéo dài), rosuvastatin có thời gian bán hủy lên tới 19 giờ, do cơ thể cần nhiều thời gian hơn để xử lý statin tác dụng dài này nên có thể uống vào buổi sáng hay buổi tối đều được. Những người dùng statin tác dụng dài có thể chọn thời điểm nào để uống thuốc trong ngày sao cho thuận tiện và phù hợp nhất với họ. Tuy nhiên cần dùng vào một thời điểm trong ngày để dễ nhớ giờ uống thuốc. Ví dụ, nếu người bệnh chọn dùng vào thời điểm 8 giờ sáng, thì nên dùng chúng vào thời điểm này mỗi ngày.

Statin có thể gây tương tác bất lợi với một số loại thuốc, nên những người dùng statin cần phải thông báo cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc, vitamin, thảo dược hoặc các chất bổ sung khác mà mình đang dùng để giúp ngăn ngừa các tương tác nguy hiểm. Tránh uống nước bưởi khi dùng statin.

Thuốc tim mạch dùng sao cho an toàn?Dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, lưu ý tới biến chứng chảy máu thứ phát.

Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh vẫn phải duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, ăn chế độ ăn lành mạnh có nhiều trái cây và rau quả…

Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu

Đây là nhóm thuốc thường dùng trong điều trị đau thắt ngực. Hiện tại có rất nhiều thuốc có tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu như: Thuốc kháng ADP, aspirin, dipyridamol…

Người bệnh tăng huyết áp cần dùng thuốc đều đặn, hàng ngày, như cơm ăn nước uống. Ngay cả khi huyết áp trở về bình thường, không được tự ý ngừng thuốc, vì nếu ngừng điều trị, huyết áp có thể tăng đột ngột và gây ra những rủi ro cho sức khỏe.

Thuốc kháng ADP (ticlodipin, clopidogrel, prasugrel), khi dùng liều thấp tác dụng chống ngưng kết tiểu cầu không được thể hiện rõ ràng, nhưng khi được dùng ở liều cao, tác dụng chống ngưng kết lại rất mạnh mẽ và có thể gây chảy máu thứ phát. Khi dùng thuốc kháng ADP cần chú ý tác dụng phụ của thuốc là giảm bạch cầu, chảy máu thứ phát và chảy máu rất nghiêm trọng. Vì thế ít khi thuốc được lựa chọn như một giải pháp đầu tay trong điều trị đau thắt ngực, chỉ dùng khi cần thiết như trong trường hợp người bệnh không dung nạp được aspirin hoặc người bệnh tái phát cơn đau thắt ngực trong điều kiện đã bị nhồi máu cơ tim trong tiền sử bệnh tật.

Aspirin có tác dụng chống lại sự ngưng tập tiểu cầu là do ức chế enzym cyclooxygenase. Enzym  này là chìa khóa, mấu chốt và hết sức quan trọng trong chuỗi phản ứng tạo ra thromboxane A2, một chất nội sinh có tác dụng hoạt hóa và ngưng kết tiểu cầu lại với nhau. Vì thế, với sự có mặt của aspirin, thromboxane A2 không được tạo ra đủ nồng độ và vì vậy tiểu cầu không bị ngưng kết. Khi dùng aspirin, tác dụng chống ngưng kết tiểu cầu có thể đạt được trong vòng từ 7-10 ngày sau đó. Khi dùng aspirin người bệnh cần lưu ý, thuốc có thể gây chảy máu dạ dày và thiếu máu thận.

Thuốc dipyridamol (ức chế phosphodisterase) là thuốc vừa có tác dụng giãn mạch vừa có tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu. Phần lớn bất lợi của dipyridamol có tính chất nhất thời và sẽ hết khi tiếp tục dùng thuốc. Trong một số ít trường hợp đã xảy ra các bất lợi tồn tại dài ngày hoặc không thể chịu đựng được cần thông báo cho bác sĩ biết. Thường gặp: Giảm huyết áp, nhịp tim nhanh; chóng mặt, nhức đầu; ban da; rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn)…

Khi dùng các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, điều quan trọng là dùng khi nào, dùng bao lâu và khi nào kết thúc… phải theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc hay mách bảo người khác dùng thuốc.

Trong thời gian dùng thuốc, phải luôn chú ý tới nguy cơ chảy máu thứ phát. Đặc biệt với các bệnh nhân có tiền sử bị chảy máu não và chảy máu tiêu hóa. Trong các trường hợp đặc biệt này cần phải theo dõi cẩn thận.


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn