Hà Nội

Thuốc tiêu hóa Dùng sao để đạt hiệu quả?

14-02-2015 08:00 | Dược
google news

SKĐS - Ngày Tết, không ai muốn dùng thuốc. Tuy nhiên, thực tế có không ít người vẫn không tránh được điều đó, từ những nguyên nhân tưởng chừng rất đơn giản như do ăn uống.

Ngày Tết, không ai muốn dùng thuốc. Tuy nhiên, thực tế có không ít người vẫn không tránh được điều đó, từ những nguyên nhân tưởng chừng rất đơn giản như do ăn uống. Bệnh thường gặp nhất, thuốc phải dùng nhiều nhất lại thường là thuốc tiêu hóa. Ðây cũng là một trong những thuốc người bệnh hay có suy nghĩ chủ quan và sử dụng khá tùy tiện.

Thức ăn trong ngày giáp Tết thường được trang trí và chuẩn bị, chế biến cầu kỳ, đa dạng hơn ngày thường, với nhiều gia vị hoặc đôi khi cả phẩm màu. Một số thức ăn đã lâu không dùng hoặc chưa dùng bao giờ dễ nhiễm khuẩn, vi khuẩn phát triển. Đã vậy, chúng ta còn dùng chung với một số chất kích thích như rượu, bia. Tất cả những thứ đó cộng với việc ăn uống, sinh hoạt không điều độ đều có thể khiến bạn bị dị ứng thức ăn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn, thậm chí viêm loét dạ dày cấp tính...

Để đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn, cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ảnh: Trần Minh

Điều trị nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn bằng kháng sinh với nguyên tắc: không phối hợp nhiều kháng sinh phổ rộng, không kéo dài, không dùng liều quá cao. Một số thuốc từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên dùng là: biseptol (trimethoprim sulfamethoxazol) là một thuốc vừa có tác dụng diệt khuẩn phổ rộng, kìm khuẩn mạnh chủ yếu là các vi khuẩn gram ( ) và một số vi khuẩn gram (-). Đặc biệt có tác dụng tốt trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do Salmonella, E. coli.

Metronidazol (flagyl, klion) là kháng sinh thuộc họ nitro-5 imidazole có tác dụng với vi khuẩn gram (-), nhạy cảm như: Clostridium, diệt ký sinh trùng: Entamoeba histolytica, Giardia intestinalis, Trichomonas vaginalis. Không dùng cho bệnh nhân mẫn cảm với imidazole, không dùng thuốc khi có uống rượu, bia. Cần thận trọng với bệnh nhân có dấu hiệu thần kinh trung ương hoặc ngoại biên nặng do thuốc có thể làm tăng mức độ bệnh, tăng tác dụng thuốc chống đông máu, phụ nữ có thai và cho con bú cần rất thận trọng khi dùng thuốc.

Nhóm quinolon (ofloxacin, ciprofloxacin...) có phổ kháng khuẩn rộng diệt các chủng như Pseudomonas, Haemophilus influenzae, Staphylococcus... Không dùng thuốc cho bệnh nhân mẫn cảm với quinolon, trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú do thuốc gây ảnh hưởng đến sự phát triển của sụn khớp. Cần thận trọng đối với người bệnh động kinh hoặc có tiền sử rối loạn thần kinh trung ương, giảm liều đối với người bệnh bị suy thận.

Để giảm đau, ta có thể dùng nospa, papaverin... Đây là thuốc chống co thắt cơ trơn có tác dụng giảm đau. Tác dụng không mong muốn có thể bị buồn nôn, chóng mặt, hạ huyết áp. Lưu ý khi dùng với thuốc levodopa bởi thuốc làm giảm tác dụng của levodopa trong điều trị Parkinson.

Ngoài ra, còn phối hợp cùng men vi sinh probiotic - antibio, enterogesmina... Men vi sinh được dùng để ngăn ngừa và điều trị bổ sung trong trường hợp tiêu chảy do Rotavirus, do nhiễm khuẩn, do sử dụng kháng sinh. Nếu dùng thường xuyên có thể giúp hệ vi sinh đường ruột cân bằng, tránh được rối loạn tiêu hóa. Men vi sinh góp phần tăng cường chức năng bảo vệ niêm mạc ruột, giảm độc tính của các độc tố, ngăn ngừa sự tấn công của các vi sinh vật gây bệnh. Đồng thời, men vi sinh cũng có thể kích thích: miễn dịch cục bộ cùng miễn dịch ngoại biên, hoạt động của các enzym tiêu hóa và khả năng hấp thu dinh dưỡng. Ngoài tiêu chảy, men vi sinh còn có thể dùng khi bị táo bón, trướng bụng, đi ngoài phân sống.

Điều trị tiêu chảy cấp cần chú ý chống mất nước và điện giải. Cần giải quyết việc mất nước điện giải sau khi có đánh giá chính xác tình trạng. Tình trạng mất nước nhẹ giải quyết bằng dung dịch oresol, bằng thức ăn như nước cháo, nước pha muối nhẹ, nước sữa chua. Khi mất nước vừa và nặng phải dùng thêm dịch truyền ringer lactat, natriclorua, glucose theo tỷ lệ phù hợp qua đường truyền tĩnh mạch...

Khi bị nôn, chúng ta có thể nghĩ đến nhiều bệnh. Bởi nôn là dấu hiệu người bệnh bị rối loạn thần kinh thực vật, viêm màng não, u não, áp-xe não, viêm ruột thừa, lồng ruột. Nhưng trong ngày Tết, nôn thường là biểu hiện của một số bệnh tiêu hóa hay gặp như: viêm dạ dày, viêm ruột, tắc ruột... Gặp trường hợp này, người bệnh nên nôn hết thức ăn ra ngoài và đến gặp bác sĩ.

Diễn biến cấp tính về tiêu hóa như viêm loét dạ dày - tá tràng, chảy máu dạ dày hoặc thủng dạ dày - tá tràng thường có diễn biến bất ngờ, nhanh và nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời, những diễn biến cấp tính về tiêu hóa có thể lấy đi mạng sống của con người. Trong các thuốc điều trị dạ dày có thuốc giảm tiết acid dạ dày như: omeprazol, esomeprazol, zanitidin... Thuốc omeprazol “ức chế sự bài tiết acid của dạ dày do ức chế có hồi phục hệ enzym hydro - kali adenosin triphosphatase (còn gọi là bơm proton) ở tế bào viền của dạ dày”. Tác dụng phụ thường gặp là buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, trướng bụng, đau bụng, táo bón.

Cùng với đó, cần dùng các thuốc chống đầy hơi như domperidone (motiliumM). Đồng thời, cần chú ý việc bảo vệ niêm mạc dạ dày với một số thuốc như: pepsan, gastropulgit... Pepsan được chỉ định khi điều trị triệu chứng những cơn đau dạ dày, đầy hơi và bảo vệ niêm mạc dạ dày (khi dùng thuốc kích thích dạ dày). Bệnh nhân nên uống trước bữa ăn hoặc khi có cơn đau.

Để đạt được hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho người bệnh, chúng ta nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị hợp lý. Không nên tự ý mua thuốc về dùng, không dùng thuốc theo kiểu mách bảo hoặc dựa theo kinh nghiệm của một số người không có chuyên môn về y tế. Cần kết hợp điều trị triệu chứng, điều trị biến chứng, với điều trị kháng khuẩn cùng việc thực hiện chế độ dinh dưỡng, dùng vitamin tăng cường thể lực. Về dinh dưỡng, không ăn nhiều một lúc, nên dùng các đồ ăn dễ tiêu hoá, tránh thức ăn có nhiều mỡ, nhiều gia vị và nhiều xơ... Trong sinh hoạt cũng cần giữ gìn vệ sinh, tẩy trùng... Và đặc biệt, cũng nên chú ý lập lại thăng bằng cho cuộc sống.

ThS.BS. Nguyễn Ngọc Đại Lâm (Phó khoa Tiêu hóa Gan Mật, BV E Trung ương)

 

 


Ý kiến của bạn