Hà Nội

Thuốc thông mũi có liên quan đến co giật và đột quỵ?

02-03-2023 08:41 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Theo các cơ quan y tế ở Vương quốc Anh, thuốc thông mũi có chứa pseudoephedrine có liên quan đến giảm lượng máu cung cấp cho não, dẫn tới co giật và đột quỵ…

Một số triệu chứng đã được báo cáo bao gồm rối loạn thị lực, đau đầu đột ngột, buồn nôn, nôn, lú lẫn…

Thuốc thông mũi có chứa pseudoephedrine được sử dụng khá phổ biến để giảm triệu chứng ho, cảm lạnh và dị ứng… được dùng bằng đường uống với dạng viên nén, viên nang, viên nén giải phóng kéo dài, viên nhai, dung dịch…

Trong một thông điệp cảnh báo mới đây, các cơ quan y tế ở Anh đã cho biết, thuốc thông mũi có chứa pseudoephedrine có thể nguy hiểm cho tế bào não và có thể gây ra nguy cơ (hiếm gặp) về hội chứng bệnh não sau có hồi phục (PRES) và hội chứng co thắt mạch não có hồi phục (RCVS).

photo-1677591373867

Nghẹt mũi có thể là dấu hiệu của cảm lạnh.

1. Hai tình trạng sức khỏe hiếm gặp này là gì?

PRES và RCVS là những tình trạng sức khỏe hiếm gặp, có thể đảo ngược. Cả hai đều liên quan đến việc giảm cung cấp máu cho não, có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng.

- Hội chứng bệnh não sau có hồi phục (PRES): Người mắc PRES có thể bị đau đầu, thay đổi thị lực và co giật, cùng với một số triệu chứng thần kinh khác như nhầm lẫn hoặc yếu một hoặc nhiều chi. Hầu hết bệnh nhân hồi phục hoàn toàn từ tình trạng này.

- Hội chứng co thắt mạch não có hồi phục (RCVS): Là một rối loạn thần kinh được đặc trưng bởi cơn đau đầu dữ dội, đột ngột liên quan đến việc thu hẹp các mạch máu cung cấp máu cho não.

Ngoài đau đầu, RCVS cũng có thể là trường hợp cấp cứu y tế với đột quỵ (đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc chảy máu), co giật hoặc phù não (sưng não). Thông thường, sự thu hẹp tự giải quyết trong vòng ba tháng do đó nó được gọi là sự co mạch có thể đảo ngược.

Cả PRES và RCVS trước đây đã được xác định là tác dụng phụ tiềm ẩn rất hiếm gặp, liên quan đến các sản phẩm có chứa pseudoephedrine. Cả hai tình trạng này có thể đảo ngược và hầu hết bệnh nhân đều hồi phục hoàn toàn với phương pháp điều trị thích hợp.

Một số dấu hiệu mà bệnh nhân có thể gặp phải là: Nhức đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, co giật, giảm thị lực... Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn bằng phương pháp điều trị thích hợp.

2. Tại sao pseudoephedrine được sử dụng trong thuốc thông mũi?

Pseudoephedrine hoạt động bằng cách kích thích các đầu dây thần kinh giúp giải phóng chất hóa học noradrenaline, khiến các mạch máu co (hẹp) lại, giúp người bệnh dễ thở hơn khi bị nghẹt mũi.

Pseudoephedrin được dùng dưới dạng muối hydroclorid hay sulfat, dùng đơn độc hoặc phối hợp với một số thuốc khác như acetaminophen (hạ sốt, giảm đau), clorpheniramin, desloratadine (chóng dị ứng)… để làm giảm bớt các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi do dị ứng hay không do dị ứng.

Thuốc dược dùng đường uống để:

  • Làm giảm tạm thời các triệu chứng sung huyết mũi đi kèm với viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch hoặc viêm mũi cấp do cảm lạnh.
  • Phòng chấn thương màng nhĩ do thay đổi áp suất không khí (khi đi máy bay hoặc khi lặn ở người lớn).

3. Một số lưu ý khi dùng pseudoephedrine

Không sử dụng thuốc trong các trường hợp:

  • Tăng huyết áp nặng.
  • Bệnh mạch vành nặng.
  • Glôcôm góc đóng.
  • Bí tiểu.
  • Đang dùng hoặc mới dùng (trong vòng 2 tuần) thuốc ức chế MAO.
  • Mẫn cảm với thuốc.

Cũng như các thuốc giống thần kinh giao cảm khác, pseudoephedrin cần thận trọng với các bệnh nhân ưu năng tuyến giáp, đái tháo đường, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, phì đại tuyến tiền liệt gây đái khó.

Cần thận trọng khi dùng viên pseudoephedrin dạng giải phóng kéo dài đối với người bệnh có hẹp/tắc nghẽn dạ dày - ruột.

Trừ khi được thầy thuốc hướng dẫn, tất cả những người bệnh tự ý dùng pseudoephedrin được khuyên ngừng thuốc nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như dễ cáu gắt, căng thẳng, chóng mặt, mất ngủ, hoặc khi triệu chứng sung huyết mũi vẫn tồn tại quá 7 ngày hoặc kèm theo sốt. Những bệnh nhân dùng viên giải phóng kéo dài cần ngừng thuốc và tham vấn ý kiến bác sĩ nếu thấy đau bụng hoặc nôn kéo dài.

Thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em dưới 2 tuổi và người già trên 60 tuổi vì nguy cơ độc tính cao.

Thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh suy thận vừa hoặc nặng.

Hiện Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) đang xem xét bằng chứng hiện có về các loại thuốc có chứa pseudoephedrine liên quan đến PRES và RCVS để đánh giá thêm tác động của các loại thuốc này.

Ủy ban an toàn của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (PRAC) cũng đang tiến hành đánh giá an toàn đối với thuốc chứa pseudoephedrine.

Mặc dù ‘nguy cơ tiềm ẩn được coi là rất hiếm’, nhưng các cơ quan này khuyến cáo mọi người không nên lạm dụng các thuốc thông mũi; ngừng sử dụng và tìm tư vấn y tế ngay lập tức nếu thấy các triệu chứng của PRES và RCVS xuất hiện.


Mời độc giả xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng

DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn