Có nhiều nguyên nhân gây táo bón, nhưng các triệu chứng của táo bón đều giống nhau: nước giữ lại trong lòng ruột ít, làm cho phân khô, cứng. Nhu động của ruột già giảm, khó tống phân ra. Khi đi ngoài phải rặn, đau, thậm chí bị rách hậu môn, chảy máu. Số lần đi ngoài ít (có khi phải vài ba ngày hoặc hơn), phân tụ lại ở ruột lâu, làm tái nhiễm khuẩn...
Các loại thuốc thường dùng
Hiện nay để điều trị táo bón người ta thường dùng các loại thuốc sau:
- Loại nhuận tràng - tẩy: Thuốc làm nhuận tràng có tác dụng làm tăng nhu động ruột già (đại hoàng) còn thuốc có tác dụng tẩy lại làm tăng nhu động ruột non (docusate, phan tả diệp). Có thuốc liều thấp có tính nhuận, liều cao có tính tẩy (magiesulfat, natrisulfat).
- Loại làm tăng thể tích phân: Có tác dụng hút nước, trương nở làm thể tích phân tăng. Ví dụ thuốc agar-agar (polygala,igol, inolaxin), chế từ rau câu, chất nhầy, nhựa của cây psyllium hay cây trâm. Agar-agar dễ kiếm, dễ dùng, rẻ tiền hơn.
- Loại giữ nước trong lòng ruột: Có tác dụng giữ lại nước trong lòng ruột nên tăng nhu động ruột, tăng thể tích và làm mềm phân. Gồm chất vô cơ (magiesulfat, natrisulfat), chất hữu cơ (sorbitol, laciol, các polyethylen glycol)...
- Loại làm trơn trực tràng: Loại này có tính trơn làm phân dễ thoát ra ngoài, gồm loại uống (dầu paraphin), dạng thụt trực tràng (gycerol).
- Loại điều hòa nhu động ruột: Khi nhu động ruột giảm (gây táo bón) thì thuốc có tác dụng kích thích, khi nhu động ruột tăng (gây tiêu chảy) thì thuốc lại có tác dụng ức chế. Thường dùng trimebutin maleat (debridat).
Ăn nhiều rau xanh chống táo bón. |
Và sự thận trọng khi dùng
Đối với trẻ em cần hạn chế dùng thuốc: Trước hết cần phải xem xét chế độ ăn của trẻ trước khi dùng thuốc. Bộ máy tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện (độ acid thấp, chưa đủ enzym, nhu động kém...) chỉ thích hợp một số loại thức ăn với lượng nhất định và tùy theo tuổi. Nếu cho ăn không đúng sẽ gây rối loạn (đầy bụng, tiêu chảy, táo bón). Chỉ khi điều chỉnh chế độ ăn mà không hiệu quả mới dùng thuốc. Có thể dùng một số thuốc nhất định (mang tính hỗ trợ và dùng trong thời gian ngắn). Các thuốc có thể dùng:
- Dùng thuốc chủ yếu có tính nhuận tràng: Có thể dùng thảo dược như đại hoàng, thảo quyết minh. Cách dùng đại hoàng: sao vàng, giã thành bột vừa. Hãm bằng nước sôi, để nguội, rồi uống. Lúc đầu dùng 0,5g. Nếu chưa đạt, tăng dần liều đến khi đạt hiệu quả. Giữ nguyên liều ấy trong 7 - 10 ngày. Có thể phối hợp đại hoàng với thảo quyết minh tươi (mỗi thứ 50%) hãm như trên. Chất gây nhuận anthraquinon có trong các thảo dược này dễ bay hơi ở nhiệt độ cao. Vì vậy, không sao quá lửa (quá vàng, cháy) làm mất tác dụng. Nên dùng loại sao, cắt lát sẵn ở hiệu thuốc Đông Y.
- Dùng loại thuốc làm tăng thể tích phân: Dùng agar- agar. Cho chúng vào nước sạch (lượng nước sạch gấp 10-20 lần lượng agar), đun chín. Cho trẻ ăn loại thạch chín này.
- Dùng loại chất hữu cơ giữ nước trong lòng ruột có tác dụng êm dịu. Liều dùng cho trẻ em bằng 1/3 liều người lớn: forlat, sorbitol, lactiol... Không dùng trong các chứng ruột kết, tắc ruột, đau bụng chưa rõ nguyên nhân.
- Dùng loại thuốc thụt làm trơn trực tràng: gycerol (rectiofar). Không dùng nhiều, kéo dài vì có thể gây kích ứng.
Không được hoặc không nên dùng các thuốc sau cho trẻ em: docusate, bisacodyl (vì thuốc có tính tẩy mạnh, làm mất nước, gây suy kiệt, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi), magiesulfat, natrisulfat: (dùng liều thấp có tính nhuận, tuy nhiên trong quá trình bảo quản, thuốc thường chuyển sang dạng khan có tác dụng mạnh gấp đôi loại ngậm nước nên khó điều chỉnh liều, dễ gây hại), boldolaxin, boldoflorin (chỉ dùng cho người lớn), dầu paraphin (do tính chất thuốc có mùi khó chịu, đặc nên trẻ khó uống), trimebutin maleat (có thể làm cho trẻ bị lệ thuộc vào thuốc, không chủ động phát huy chức năng tiêu hóa. Nếu cần, thầy thuốc có thể cho dùng hỗ trợ, liều vừa đủ, trong thời gian ngắn).
Thận trọng dùng cho người già: Ở người cao tuổi, chức năng tiêu hóa suy giảm (độ acid thấp, enzym tiêu hóa, nhu động ruột giảm) nên cần dùng thức ăn mềm, nấu kỹ, cân đối chất (đạm - protit - glucid - rau quả). Trong mỗi loại nên chọn lựa thích hợp (ví dụ ăn đạm thực vật, ăn cá nhiều hơn thịt, ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước...). Khi táo bón, có thể dùng thuốc hỗ trợ nhưng vừa phải. Tránh dùng thuốc có tính tăng nhu động mạnh, gây tẩy mạnh, làm mất nhiều nước, dễ dẫn đến suy kiệt. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết vẫn có thể dùng loại mạnh, nhưng chỉ dùng liều vừa đủ, trong thời gian ngắn theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
DS. Bùi Văn Uy