Hà Nội

Thuốc tăng cường trí nhớ dưới góc nhìn khoa học

07-06-2017 13:14 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Với mong muốn có thể giúp con mình hoàn thành được kỳ thi một cách tốt hơn, nhiều phụ huynh đã tìm đến các loại thuốc bổ hoặc thực phẩm chức năng được quảng bá về hiệu quả cải thiện, tăng cường trí nhớ.

Với mong muốn có thể giúp con mình hoàn thành được kỳ thi một cách tốt hơn, nhiều phụ huynh đã tìm đến các loại thuốc bổ hoặc thực phẩm chức năng được quảng bá về hiệu quả cải thiện, tăng cường trí nhớ. Vậy loại thuốc này có đáp ứng được lòng mong đợi cho người dùng?

Thuốc cải thiện trí nhớ là gì?

Những hoạt chất giúp cải thiện khả năng nhận thức, thường được dùng để tăng cường trí nhớ, sự thông minh và khả năng tập trung được gọi chung là nootropics. Nootropics có thể là thuốc hoặc thực phẩm chức năng, có thể có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc được sinh tổng hợp.

Não có thể hoạt động được là nhờ vào hàng tỷ chất dẫn truyền xung thần kinh và thụ thể. Những chất này giúp lan truyền các tín hiệu, hoặc xung động từ một tế bào thần kinh này sang một tế bào thần kinh khác. Nootropics giúp cải thiện chất lượng dẫn truyền xung thần kinh, giúp khả năng ghi nhớ tốt lên và làm chậm lại quá trình suy giảm nhận thức, mất trí nhớ cũng như chứng sa sút trí tuệ do lão hóa.

Thuốc tăng cường trí nhớ dưới góc nhìn khoa họcCác sĩ tử chớ nghĩ đến những viên thuốc có thể giúp tăng trí nhớ  mà nên  có kế hoạch học tập lâu dài.

Có nhiều chất dẫn truyền xung thần kinh quan trọng như acetylcholine, glutamate, GABA, dopamine và serotonin. Các chất nootropics tác động lên các chất này để giúp cải thiện chức năng của não. Dựa trên cơ chế hoạt động, nootropics có thể được chia thành nhiều dạng như: nootropics tự nhiên, racetams, choline, ampakines, các dẫn xuất của vitamin B và peptides.

Nootropics tự nhiên: Là những chất có chiết xuất tự thực vật như bacopi monneri, vinpocetine, ginkgo biloba, và huperzine-A. Các nootropics tự nhiên giúp não thực hiện chức năng tốt hơn nhưng hiệu quả vẫn thấp hơn so với các dạng sinh tổng hợp.

Racetams: Là những chất tác động vào acetylcholine trong não, hoặc kích thích các thụ thể giải phóng acetylcholine, giúp cải thiện trí nhớ, nhận thức và khả năng tập trung. Đây là một trong những nootropics được sử dụng đầu tiên và vẫn được bán rộng rãi cho đến bây giờ. Các racetams điển hình bao gồm piracetam, aniracetam, oxiracetam, pramiracetam, phenylpiracetam.

Choline: Vì racetams giúp giải phóng acetylcholine, việc bổ sung các chất có khả năng tăng cường sinh tổng hợp acetylcholine sẽ đảm bảo đủ acetylcholine khi các thụ thể được kích hoạt. Alpha GPC, citicholine và centrophenoxine là những nguồn bổ sung choline phổ biến. Choline cũng có nhiều trong trứng, thịt và hải sản.

Ampakines: Là một trong những nootropics mạnh. Nhóm thuốc này tác động và làm tăng hàm lượng của glutamate trong máu. Glutamate là một chất dẫn truyền trung gian, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính dẻo dai của xi-náp (synaptic plasticity).

Các dẫn xuất của vitamin B: Sulbutiamine - một dẫn xuất của vitamin B1, là một trong những thuốc được dùng phổ biến để tăng cường trí nhớ và tăng khả năng tập trung hiện nay. Cơ chế chủ yếu của nhóm thuốc này là tăng cường sự dẫn truyền của choline, glutamate và dopamine.

Peptides: Được xem là nootropics mạnh nhất, có cơ chế tương tự như racetam và ampakines. Ngoài ra, noopept - một ví dụ của nhóm thuốc peptides cũng giúp giải phóng Nerve Growth Factor – là chất tham gia vào quá trình phát triển và ổn định các tế bào thần kinh. Noopept có hoạt lực mạnh gấp 1000 lần so với piracetam.

Thuốc tăng cường trí nhớ dưới góc nhìn khoa học

Những cảnh báo về việc dùng thuốc

Các thuốc nootropics được sử dụng đầu tiên vào những năm 70 và ngày càng trở nên phổ biến hơn. Thống kê cho thấy có tới 11% người Mỹ dùng các thuốc nootropics hằng ngày để đảm bảo giữ tập trung cho công việc của mình.

Tuy nhiên, các thuốc nootropics chỉ được kê toa bởi các bác sĩ có chuyên môn và thuốc được chỉ định cho những bệnh nhân có vấn đề về khả năng nhận thức như Alzheimer, sa sút trí tuệ và tăng động suy giảm ở trẻ em (ADHD). Việc lạm dụng các thuốc tác động lên hệ thần kinh có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng theo thời gian.

Nootropics có thể gây ra những tác dụng phụ lên hệ thần kinh (đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ) và hệ tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy)… Đau đầu là tác dụng phụ thường gặp nhất ở nhóm thuốc racetams. Nguyên nhân là vì sự kích thích dẫn truyền xung thần kinh trong một thời gian dài khiến não bị bão hòa bởi hoạt động quá mức so với thông thường. Hoạt động quá mức của các thụ thể ở khe xi-náp cũng là nguyên nhân gây đau đầu. Các tác dụng phụ của nootropics còn có lo lắng, hồi hộp, và trầm cảm.

Có nên sử dụng thuốc cho sĩ tử trong mùa thi?

Vậy thì nên hay không nên sử dụng thuốc tăng cường trí nhớ trong mùa thi? Sử dụng trong thời gian ngắn thì liệu có ảnh hưởng gì sau đó hay không? Theo The Telegraph, một cuộc khảo sát ở Trường đại học Oxford tại Anh cho thấy có tới 26% sinh viên thừa nhận sử dụng các thuốc hỗ trợ khả năng ghi nhớ và tập trung trong mùa thi để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, sau kỳ thi hầu như các sinh viên này phải quay trở lại gặp bác sĩ để được nhận valium-một loại thuốc an thần để có thể có được giấc ngủ bình thường trở lại. Áp lực thi cử cùng với sự xáo trộn thói quen sinh hoạt trong suốt quá trình ôn luyện khiến các sinh viên tại trường đại học danh giá này khó tìm lại được nhịp sinh học bình thường sau mùa thi.

Dave Asprey – nhà sáng lập và CEO của Bulletproof 360 mặc dù là người sử dụng nootropics hằng ngày, nhưng đã từng cảnh báo rằng độ tuổi 19-25 là giai đoạn não đang phát triển tốt và khả năng tiếp nhận thông tin còn rất nhanh nhạy, nên hạn chế sử dụng các thuốc tăng cường trí nhớ. Tất nhiên khi một thuốc được sử dụng rộng rãi ngoài thực tiễn thì cần phải trải qua một giai đoạn dài kiểm tra nghiêm ngặt về tính an toàn trên người. Tuy nhiên, nếu não bộ đã phải chịu quá nhiều áp lực từ những con số và sự kiện, mà lại còn phải gồng gánh thêm những hiệu ứng để có thể có được sự tập trung và ghi nhớ như mong muốn thì chắc hẳn sau giai đoạn đó, bộ não trở nên mệt mỏi là điều không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó, mặc dù các thuốc như piracetam không phải là cocaine hay có tính chất gây nghiện, tuy nhiên hầu hết những người sử dụng đều cho rằng việc sử dụng thuốc khiến họ cảm thấy hưng phấn, tự tin và bớt lo âu. Điều này khiến họ dần hình thành thói quen dùng thuốc vì muốn tìm lại cảm giác tập trung tinh thần và sự minh mẫn khi làm việc. Một phân tích gộp từ 19 nghiên cứu về piracetam cho thấy thuốc chỉ thật sự có hiệu quả tăng cường trí nhớ trên những người lớn tuổi bị sa sút trí tuệ. Do đó, các bạn học sinh - sinh viên thay vì nghĩ đến những viên thuốc có thể giúp nhớ bài, thì nên có một kế hoạch học tập lâu dài, đảm bảo đủ thời gian ôn luyện trước khi thi để tránh tình trạng ôn đồm quá mức. Một chế độ ăn phù hợp, một phương pháp học có hệ thống và lối sinh hoạt khoa học là ba nguyên tắc vàng để đảm bảo một kỳ thi đạt chất lượng. Phụ huynh có thể tham khảo một số thực phẩm gợi ý để bổ sung cho con trong mùa thi như: Bơ, các loại dâu, dầu cá, trứng, rau củ chứa nhiều vitamin C, K, B và magnesium, dầu oliu, hạt óc chó.

Các phương pháp giúp não bộ có thể tập trung hơn như thiền định mỗi ngày hoặc có thời gian nghỉ sau mỗi 45-60 phút học cũng nên được áp dụng để có thể có được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, các tài liệu học cũng nên được sắp xếp theo hệ thống để dễ ôn bài, tận dụng tối đa việc sử dụng hình ảnh và sơ đồ để lược giản nội dung học để tối ưu hóa giai đoạn gần kề ngày thi. Và cuối cùng, vẫn phải đảm bảo một giấc ngủ sâu để não có thể ghi nhớ lại những thông tin vừa học được. Việc sử dụng thuốc hỗ trợ không phải xấu, nhưng cần hạn chế lạm dụng nhất là ở độ tuổi trí não vẫn đang phát triển tốt. Trong mọi trường hợp nếu muốn dùng thuốc để tăng cường trí nhớ, sự tham vấn của bác sĩ vẫn nên là lựa chọn đầu tiên.


DS. Nguyễn Hồng Minh
Ý kiến của bạn