Hà Nội

Thuốc tăng cường miễn dịch - khi nào cần sử dụng?

06-09-2020 21:54 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khi hệ miễn dịch của cơ thể gặp những vấn đề bất thường sẽ dẫn đến một số bệnh liên quan đến hệ miễn dịch và giảm sức đề kháng của cơ thể, lúc đó cần có sự can thiệp của y tế với các biện pháp khác nhau, trong đó có sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch.

Tác dụng của thuốc

Thuốc tăng cường miễn dịch có tính chất đa dạng, bao gồm nhiều thành phần, nhiều loại khác nhau, có thể là một hỗn hợp nhiều thành phần hoạt chất, có thể riêng rẽ và đã được các nhà nghiên cứu kết luận là có khả năng tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Vitamin

Đó là một số vitamin có tác dụng chống lại gốc tự do nên có thể tăng cường miễn dịch như vitamin C, viamin E, beta-carotene...

Vitamin C rất cần thiết cho hoạt động của các tế bào miễn dịch. Vitamin C có thể khử gốc tự do, tăng sức đề kháng chống nhiễm khuẩn, giữ gìn sự toàn vẹn mạch máu và hô hấp tế bào.

Đối với vitamin E, cơ thể sử dụng làm chất chống ôxy hóa, ngăn cản ôxy hóa các thành phần thiết yếu trong tế bào và sự tạo thành các sản phẩm ôxy hóa độc hại như sản phẩm peroxyd hóa (do chuyển hóa các acid béo chưa bão hòa), phản ứng lại với các gốc tự do (nguyên nhân gây tổn hại màng tế bào do ôxy hóa) mà không tạo ra các gốc tự do khác trong quá trình đó.

Bên cạnh đó, beta-carotene cũng có khả năng khử gốc tự do tại màng lipid tế bào, chúng được chuyển hóa thành vitamin A là chất thiết yếu của cơ thể với tác dụng chống ôxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị tổn hại và chúng còn trực tiếp làm tăng tế bào lympho T của hệ miễn dịch, do đó làm gia tăng sự sản xuất kháng thể cho cơ thể.

Chỉ nên dùng thuốc tăng cường miễn dịch theo chỉ định của bác sĩ.

Chỉ nên dùng thuốc tăng cường miễn dịch theo chỉ định của bác sĩ.

Nguyên tố vi lượng

Một số nguyên tố vi lượng cũng có khả năng tăng cường miễn dịch như kẽm, selen... Kẽm là nguyên tố vi lượng thiết yếu, là thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch trong phòng chống nhiễm trùng bởi vì có liên quan đến sự hình thành và kích hoạt các tế bào miễn dịch chống các bệnh nhiễm trùng (cúm, SARS-CoV-2, sởi...).

Kẽm rất cần thiết cho phụ nữ có thai và trẻ em; là chất chống ôxy hóa nên có khả năng giúp giảm tốc độ lão hóa, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giúp nhanh lành vết thương, giúp cho sự tăng trưởng, từ đó tăng đáp ứng miễn dịch.

Bên cạnh đó, selen là thành phần thiết yếu của nhiều chất chống ôxy hóa và enzym trong cơ thể, chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới chống ôxy hóa do tham gia nhiều quá trình sinh học.

Cytokin tự nhiên

Một thành phần khác được nhắc đến trong việc tăng cường miễn dịch, đó là interferon, là những cytokin tự nhiên có hoạt tính chống virus, chống tăng sinh và điều tiết miễn dịch. Hiện nay, có 3 nhóm interferon chính, đó là alpha, beta và gamma. Mỗi nhóm có một tác dụng điều trị khác nhau tùy theo bệnh lý.

Vắc-xin

Nói đến thuốc tăng cường miễn dịch phải kể đến một loại “vũ khí” đặc biệt quan trọng đối với hệ miễn dịch của con người, đó là vắc-xin. Vắc-xin khi được đưa vào trong cơ thể sẽ kích thích cơ thể hình thành kháng thể đặc hiệu chống lại tác nhân gây bệnh nhiễm trùng.

Khi nào cần dùng thuốc tăng cường miễn dịch?

Thuốc có tác dụng hỗ trợ tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách gia tăng các chức năng hoạt động chung, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt; trên cơ sở này sẽ gia tăng sự đáp ứng miễn dịch hoặc tác động kích thích các cytokin, interleukin làm cho tế bào miễn dịch tiết ra nhiều kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.

Tuy vậy, thuốc tăng cường miễn dịch không được sử dụng tùy tiện, phải có chỉ định của bác sĩ một cách cụ thể đối với từng loại bệnh và từng lứa tuổi cụ thể dù đó là các loại vitamin hay khoáng chất.

Tốt nhất nên tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể trước nguy cơ bệnh tật, đó là dinh dưỡng khoa học, hợp lý, đầy đủ, cân bằng kết hợp với tập luyện thể dục thể thao đều đặn, ít nhất 60 phút mỗi ngày và tuân thủ chế độ sinh hoạt, lối sống khoa học, lành mạnh...


BS. Bùi Mai Hương
Ý kiến của bạn