Ngày nay, khi kinh tế của mỗi gia đình ngày càng khấm khá cùng với thực tế khoa nhi của các bệnh viện luôn quá đông, quá chật đã khiến các bố, mẹ lùng sục tìm mua thuốc tăng cường miễn dịch cho con với mong muốn con khỏe mạnh, không phải vào viện. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này vẫn cần tư vấn của bác sĩ và cảnh giác với những tác dụng không mong muốn.
Thuốc tăng cường miễn dịch được sản xuất từ nguyên liệu gì?
Miễn dịch là khả năng phản ứng của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh bằng cách tiết ra kháng thể đặc hiệu nhằm trung hòa khả năng gây nhiễm khi vi sinh chưa thâm nhập vào tế bào hoặc tiết ra kháng thể đặc hiệu tiêu diệt vi sinh khi mới sơ nhiễm. Khi đáp ứng miễn dịch bị suy giảm như trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh mạn tính… cần dùng thuốc tăng cường miễn dịch. Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, các thuốc có tác dụng tăng cường miễn dịch bằng cách tăng các chức năng hoạt động chung của cơ thể, làm cho cơ thể mạnh lên, từ đó tăng đáp ứng miễn dịch hoặc hoạt hóa các cytokin, interleukin làm cho tế bào miễn dịch tiết ra nhiều kháng thể giúp cơ thể chống chọi với mầm bệnh xâm nhập. Thuốc được chế tạo từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Thứ nhất là loại được sản xuất từ tinh chất của tuyến ức vì tuyến ức là một trong những nơi sinh ra các yếu tố miễn dịch. Thứ hai là loại thuốc tăng cường miễn dịch được sản xuất từ những kháng thể tách chiết từ máu như bạch cầu, huyết thanh để tạo ra thuốc chống lại những bệnh đặc hiệu (uốn ván, bạch hầu, rắn độc cắn…). Nguyên liệu thứ ba là dùng chính những con vi khuẩn gây bệnh ở người sau đó làm suy yếu bằng công nghệ cao rồi đưa lại vào cơ thể nhằm kích thích cơ thể chống lại vi khuẩn này. Công nghệ này gần giống với quy trình sản xuất vắc-xin nhưng không hẳn là vắc-xin vì vắc-xin phải là đặc hiệu, nghĩa là thuốc có đích đến cụ thể để phòng bệnh như viêm gan B, ho gà, uốn ván… nhưng loại thuốc tăng cường miễn dịch sử dụng vi khuẩn lại không đặc hiệu, không phòng một bệnh cụ thể mà phòng một nhóm bệnh như nhóm bệnh hô hấp, bệnh tiêu hóa… Tất nhiên, đối với mỗi trường hợp cụ thể, việc sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch vẫn cần phải được sự thăm khám của bác sĩ để được chỉ định rõ loại thuốc cần dùng dựa trên tiền sử bệnh và thể trạng của từng trẻ. Chẳng hạn hiện nay, loại thuốc tăng cường miễn dịch dạng uống broncho vaxom được dùng khá phổ biến cho trẻ mắc bệnh hen nhưng cần lưu ý, loại thuốc này thường được dùng cho dạng hen do virut vì khi uống thuốc sẽ làm giảm sự nhiễm virut dẫn đến làm giảm hen nhưng lại không dùng cho các trường hợp hen do dị ứng hay hen do vận động. Hay đối với các interferon chỉ dùng khi thật cần thiết, dùng đúng thời điểm là khi virut viêm gan B đang sinh sôi, có dấu hiệu lâm sàng chứ không dùng khi cơ thể đã có đủ miễn dịch tự nhiên, khống chế làm cho virut nằm im, không sinh sôi, không có triệu chứng lâm sàng.
Dùng thuốc tăng cường miễn dịch cho trẻ cần tham khảo ý kiến BS chuyên khoa. Ảnh: TM
Dùng thực phẩm chức năng cho trẻ có thực sự tốt?
Hiện nay, ngoài thuốc tăng cường miễn dịch rất được các bậc cha mẹ ưa chuộng thì trên thị trường còn một loại thuốc bổ sung dưỡng chất cũng được tìm kiếm nhiều là thực phẩm chức năng dành cho trẻ. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, thực phẩm chức năng rất đa dạng, có thể là các loại vitamin tổng hợp, vitamin A, D, DHA, chất xơ… nhưng đây không phải là thuốc chữa bệnh. Khi sử dụng, thuốc ít gây hại nhưng nếu dùng không đúng cách hay không phù hợp với người dùng thì không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn gây hại. Ví dụ, có thể gây thừa một số vitamin (thừa vitamin A ở trẻ em có thể làm tăng áp lực nội sọ, đau xương, viêm da, viêm teo thần kinh thị giác, mù. Thừa vitamin sẽ làm tăng canxi máu, ở trẻ dưới 1 tuổi có thể gây kích thích, co giật, xương hóa sụn sớm. Thừa canxi gây sỏi thận xơ vữa mạch máu…).
Nguy cơ khi dùng thuốc tăng cường miễn dịch cho trẻ
Sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch giúp trẻ tăng khả năng chống chọi với bệnh tật, với sự thay đổi của thời tiết. Có các loại thuốc tăng cường miễn dịch như interferon, các vitamin (E,C, beta-caroten…), một số yếu tố vi lượng (kẽm, selen…). Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, để dễ sử dụng, các thuốc này được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau, có thể là dạng viên nén, dạng nước hay dạng kẹo dẻo nhưng khi dùng, trẻ có thể gặp phải một số nguy cơ như dị ứng, rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân do để sản xuất thuốc, người ta thường sử dụng thêm một số loại tá dược tạo màu, tạo mùi dễ ăn cho trẻ và đây chính là thủ phạm gây ra các dạng dị ứng khi sử dụng. Bên cạnh đó, nếu thuốc để lâu quá khi dùng, để không đúng nơi quy định (chẳng hạn vị trí quá nóng hay bị ẩm ướt) có thể làm thuốc biến chất gây rối loạn tiêu hóa.