Mới đây chị Thanh cảm thấy âm đạo tiết nhiều khí hư có mùi hôi nên đi khám phụ khoa. Sau khi cấy dịch âm đạo, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm âm đạo do tạp khuẩn và kê đơn thuốc đặt và uống.
Uống thuốc được 3 hôm thì cơ quan chị có buổi liên hoan nên vui chị cũng uống vài ly rượu. Sau đó chị Thanh thấy đau đầu, chóng mặt rồi nóng đỏ toàn thân, tim đập nhanh và nôn. Nghĩ mình bị say rượu nên chị về nhà nằm nghỉ, ai dè mỗi lúc chị thấy mệt xỉu đi, sợ bị ngộ độc rượu nên chị vội đến cơ sở y tế để được giải độc rượu...
Tại đây, bác sĩ khám và hỏi kỹ thì được biết chị Thanh đang dùng thuốc điều trị nấm metronidazole lại uống rượu nên chị bị tương tác giữa rượu và thuốc. Lúc này chị Thanh mới nhớ ra rằng, khi kê đơn thuốc, bác sĩ cũng đã dặn chị không được uống rượu, bia trong thời gian dùng thuốc, không ngờ trong lúc vui quá chị lại quên.
Theo BS. Hoàng Mai Phương (Trung tâm Bác sĩ gia đình Hà Nội), tùy theo từng dạng bào chế mà metronidazole là thuốc được lựa chọn trong điều trị nhiều bệnh như các bệnh do Amip, bệnh đường niệu - sinh dục do Trichomonas; viêm âm đạo không đặc hiệu (dạng bào chế viên nén); bệnh do Giardia intestinalis; điều trị các nhiễm trùng do vi khuẩn kỵ khí... Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc thì không được uống rượu do khả năng cao gây ra hiệu ứng antabuse khi uống rượu với các triệu chứng như: nóng, đỏ, nôn mửa, tim đập nhanh... như chị Thanh đã gặp phải.
Ngoài tương tác với rượu, thuốc còn làm tăng độc tính của một số thuốc khác nữa, do vậy nếu đang phải dùng thuốc nào khác ngoài metronidazole thì cần báo với bác sĩ để có biện pháp tránh tương tác thuốc. Metronidazole còn có tác dụng phụ như rối loạn đường tiêu hóa, buồn nôn, biếng ăn, đau thượng vị, nổi mề đay, nóng bừng, ngứa, khô miệng. Các dấu hiệu ở hệ thần kinh như nhức đầu, chóng mặt... Các tác dụng phụ này thường hiếm gặp, nhưng trong quá trình dùng thuốc mà gặp bất kỳ dấu hiệu nào vừa kể trên thì cần ngừng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ.