Thuốc Remdesivir là chất tương tự nucleotide (nucleotide analog), một trong những dạng thuốc kháng virus lâu đời nhất, được chỉ định theo đường tiêm tĩnh mạch.
Chúng có khả năng ngăn chặn sự sinh sôi của virus bằng cách không cho RNA polymerase hoạt động. Điều này khiến virus không thể nhân bản trong cơ thể vật chủ. Từ đó ngăn chặn virus gây ảnh hưởng tới cơ thể của người bệnh.
Trước đó, thuốc remdesivir đã được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đối với bệnh nhiễm virus Ebola nhưng cho hiệu quả không cao. Sau đó, thuốc này tiếp tục được nghiên cứu trong các mô hình động vật đối với virus SARS-CoV và virus MERS-CoV.
Thuốc Remdesivir dùng trong trường hợp nào?
Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ tháng 10/2020.
Thuốc được phê duyệt cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi nặng trên 40 kg mắc COVID-19 cần nhập viện điều trị, bất kể mức độ bệnh như thế nào. Remdesivir không được khuyến cáo ở những bệnh nhân suy thận nặng trừ khi lợi ích cao hơn nguy cơ tiềm ẩn.
Remdesivir được FDA phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Liên minh châu Âu cũng cấp phép lưu hành một cách có điều kiện remdesivir để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cần trợ thở. Đến nay, thuốc remdesivir đã được cấp phép sử dụng trong điều trị COVID-19 tại hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Trường Đại học dược Hà Nội, thuốc được cấp phép khẩn cấp tại các quốc gia chủ yếu dựa trên dữ liệu từ nghiên cứu NIAID-ACTT-1, được tài trợ bởi Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID), cộng với dữ liệu hỗ trợ từ các nghiên cứu khác về remdesivri. ACTT-1 là một thử nghiệm đa quốc gia, ngẫu nhiễn có đối chứng với giả dược trên 1062 bệnh nhân COVID-19. Remdesivir được dùng trong 10 ngày hoặc cho đến khi tử vong hoặc xuất viện.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm bệnh nhân sử dụng remdesivir dẫn đến thời gian hồi phục nhanh hơn so với giả dược (hồi phục trong nghiên cứu này được định nghĩa là xuất viện hoặc tiếp tục nằm viện nhưng không cần liệu pháp oxy hoặc chăm sóc y tế liên tục).
Một số nghiên cứu tiếp tục được thực hiện để tìm kiếm thêm thông tin về hiệu quả của remdesivir, đặc biệt là trên tỷ lệ tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, đến nay, các nghiên cứu này chưa cho thấy kết quả như mong đợi. Vì vậy, tại nhiều Quốc gia, Hướng dẫn điều trị COVID-19 vẫn đang liên tục cập nhật dữ liệu, phân tích đánh giá để có thể đưa ra được kết luận chính xác về vai trò của remdesivir.
Tác dụng phụ của remdesivir
PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, giống như các loại thuốc khác, remdesivir cũng có các tác dụng phụ. Trong thử nghiệm lâm sàng, các tác dụng phụ thường được báo cáo gồm buồn nôn, nôn và tăng men gan.
Đã có báo cáo về một số tác dụng phụ khiến phải dừng sớm remdesivir như tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, tăng men gan, tăng bilirubin, làm xấu đi tình trạng phổi… Cũng đã có báo cáo về chậm nhịp tim do dùng thuốc. Lưu ý, thuốc chống chỉ định với những người quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Không săn lùng, tích trữ và tự ý sử dụng remdesivir trị COVID-19.
Điều trị COVID-19 là một vấn đề rất phức tạp. Việc áp dụng phác đồ nào và áp dụng như thế nào cần có sự chỉ định của các bác sĩ, chuyên gia y tế.
Ngoài ra, remdesivir là thuốc mới nên việc sử dụng thuốc cho người bệnh càng cần phải theo dõi chặt chẽ trong bệnh viện, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ liều lượng cũng như giám sát điều trị theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
PGS. TS. Hương nhấn mạnh, thuốc chỉ có một số hiệu quả nhất định và chỉ trên những nhóm đối tượng bệnh nhân nhất định, không phải "thần dược" cứu cánh cho mọi trường hợp mắc COVID-19. Sử dụng không đúng cách cũng có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Do đó, người dân tuyệt đối không săn lùng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc này tại nhà.
Cho đến nay khi chưa tìm ra được loại thuốc thật sự hiệu quả điều trị bệnh nhân COVID-19, thì việc tiêm vaccine vẫn rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Vì thế để phòng tránh lây nhiễm COVID-19, chúng ta vẫn cần tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách khi ra nơi công cộng…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bộ trưởng- Đổi mới toàn bộ ngành y tế để ứng phó hiệu quả với thách thức trong bối cảnh đại dịch
* Mời độc giả đọc tiếp bài: Tiếp tục phát triển thuốc trị COVID-19 từ các loại thuốc hiện có