Lê không chỉ là loại quả được ưa chuộng trong mùa hè, nó còn là vị thuốc quý chữa nhiều bệnh. Quả lê dùng bổ sung dinh dưỡng và nước cho người cao tuổi, bệnh nhân suy nhược cơ thể và có tác dụng bảo vệ tế bào gan, trợ tiêu hóa, khai vị. Dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp do có tác dụng tư âm thanh nhiệt, hạ huyết áp. Lê cũng rất thích hợp cho bệnh nhân lao phổi, viêm phế quản, viêm họng. Xin giới thiệu một số cách chữa bệnh từ quả lê.
Nước ép lê: lê tươi 1 - 2 quả, ép nước, để tủ lạnh cho mát, uống dần ít một. Dùng cho trường hợp nhiễm virut, vi khuẩn gây sốt nóng mất nước khát nước. Hoặc nước ép lê, uống ngày nhiều lần ít một. Dùng cho người bị khản giọng mất tiếng do viêm họng nhiệt táo.
Lê hầm mật: lê 1.000g, mật ong vừa đủ. Lê rửa sạch, bỏ hạt, thái lát, ninh nhừ hầm cho mật ong vào, đun lại thành dạng cao; đựng trong lọ. Uống 2 -3 thìa nhỏ với nước hoặc nhai ngậm. Dùng cho các trường hợp sốt nóng dài ngày, mất nước, khát nước, bệnh tiểu đường, ho ra máu.
Cháo bạch lê: lê 3 quả, gạo tẻ 100g. Lê gọt vỏ, thái lát, gạo nấu cháo, cháo được thì cho lê vào nấu tiếp, khấy cho tan đều. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, kích ứng vật vã, khát nước, chán ăn.
Lê hấp đường phèn: lê 2 quả, bột bối mẫu 10g, đường phèn 30g. Lê khoét bỏ hạt, cho bối mẫu và đường phèn vào trong quả lê, hấp chín. Ăn 2 lần (sáng, tối) trong ngày. Trị viêm phế quản cấp, thể viêm khô, ho khan ít đờm.
Lê hấp đường phèn trị viêm phế quản cấp, ho khan, ít đờm. |
Xirô nhân mận nước ép lê: hạnh nhân 10g, lê 1 quả, đường phèn lượng thích hợp. Hạnh nhân giã nát, lê gọt vỏ thái lát, hai thứ thêm nước nấu chín nhừ, cho đường phèn khuấy đều. Dùng cho bệnh nhân viêm khí phế quản cấp, thể viêm khô, ho khan ít đờm.
Kiêng kỵ: Người tỳ hư tiêu chảy, ho do cảm lạnh không dùng.
BS. Tiểu Lan