PPI là nhóm thuốc có tác dụng làm giảm đáng kể sự tiết acid dịch vị bằng việc gắn kết không thuận nghịch lên bơm H /K , hay còn gọi là bơm proton có trong các tế bào viền của dạ dày. PPI được dùng để điều trị nhiều bệnh dạ dày bao gồm cả loét dạ dày - tá tràng, nhiễm Helicobacter Pylori (H.Pylori), phòng ngừa khả năng gây loét dạ dày - tá tràng của nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID), hội chứng Zollinger-Ellison và GERD (trào ngược dạ dày thực quản). Nhìn chung, nhóm thuốc này hiệu quả vượt trội so với các nhóm thuốc khác.
Hiệu quả tốt
PPI là các tiền thuốc, tức là sau khi uống, thuốc mới được chuyển hóa từ dạng không có hoạt tính trở thành dạng có hoạt tính. PPI không bền trong môi trường acid nên được bào chế ở dạng bao tan trong ruột để bảo vệ thuốc. Sau khi đi qua dạ dày, màng bao sẽ tan rã tại ruột non, rồi được hấp thu vào máu nơi chúng có thời gian bán thải tương đối ngắn, khoảng 1-1,5 giờ. Tác dụng ức chế tiết acid của PPI cần ít nhất sau 5 ngày để đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, đây là tác dụng không hoàn toàn, khoảng 1/4 số bơm proton trong mỗi tế bào viền vẫn hoạt động ngay cả khi dùng liều cao PPI.
Không lạm dụng và dùng thuốc kéo dài
Tuy nhiên, do PPI khá phổ biến nên thường bị lạm dụng trong điều trị, nguy cơ mắc những phản ứng có hại (ADR) trầm trọng hiện nay đang rất đáng được quan tâm. Thống kê của cơ quan quản lý bảo hiểm y tế (BHYT) cho thấy PPI là nhóm thuốc có chi phí sử dụng chiếm tỉ trọng khá lớn trong chi trả bảo hiểm hàng năm. Trong đó tình trạng sử dụng kéo dài các thuốc PPI cho bệnh nhân vừa gây ra các ADR nghiêm trọng vừa làm gia tăng việc chi trả của quỹ BHYT cho nhóm thuốc này.
Cần thận trọng khi sử dụng các thuốc ức chế bơm proton kéo dài.
Hiện nay trên thị trường có 5 loại thuốc PPI hay được sử dụng bao gồm thế hệ 1 có omeprazole, lansoprazole, pantoprazole và thế hệ 2 có rabeprazole, esomeprazole.
Gần đây người ta lo ngại nhiều đến các phản ứng có hại của các thuốc PPI. Các ADR này được chia thành 3 loại chính:
- ADR ngắn hạn, mức độ nhẹ và ít gặp như đau đầu, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn, nôn và trong các trường hợp này, bệnh nhân hiếm khi cần phải ngừng thuốc.
- Các triệu chứng liên quan tới tăng tiết acid hồi ứng sau khi ngừng thuốc, với các biểu hiện như ợ chua, ợ nóng do ngừng thuốc đột ngột (hội chứng cai thuốc). Phản ứng có hại này thường hiếm gặp.
- Các ADR xuất hiện muộn, có thể rất nghiêm trọng và gây tàn tật, mặc dù ít gặp nhưng do PPI được sử dụng rộng rãi và lạm dụng kéo dài nên rất cần phải quan tâm, đó là:
Nhiễm khuẩn, đặc biệt ở hệ tiêu hóa, ví dụ nhiễm Clostridium difficile, nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc. Nguy cơ nhiễm khuẩn này là do sự giảm acid dạ dày.
Gãy xương, tăng nguy cơ gãy xương hông, đốt sống hoặc cổ tay. Cơ chế cũng liên quan tới tăng pH ở dạ dày, làm giảm hấp thu calci. Một số trường hợp hiếm gặp xuất hiện đau cơ như viêm đa cơ hay viêm khớp đã được báo cáo. Cơ chế được cho là có liên quan đến tính tự miễn của cơ thể.
Giảm hấp thu vitamin B12, có khả năng gây thiếu máu thứ phát.
Giảm natri và magnesi máu với các triệu chứng như co giật, loạn nhịp, nôn mửa... hoặc không có triệu chứng. Giảm calci và kali máu xảy ra đồng thời. Những rối loạn ion được giải thích bởi sự thay đổi độ pH của dạ dày.
Tổn thương thận như viêm thận kẽ và rối loạn miễn dịch khác. Cơ chế rối loạn miễn dịch và bệnh thận liên quan tới rối loạn cơ, gan, huyết học và da.
Nguy cơ u dạ dày - ruột, được biết trong các nghiên cứu tiền lâm sàng của các thuốc này trên động vật, tuy nhiên chưa có phát hiện trên người.
Như vậy, mặc dù PPI là một nhóm thuốc hiệu quả và an toàn, nhưng việc dùng các thuốc này dài ngày có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài như giảm hấp thu một số khoáng chất và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Một số loại thuốc PPI là sản phẩm OTC (được bán tự do không cần đơn của bác sĩ) vì vậy dược sĩ, đặc biệt là dược sĩ trong cộng đồng và người bệnh cần nắm vững những lợi ích và nguy cơ để dùng thuốc an toàn và hiệu quả nhất.