Thuốc phòng ngừa loãng xương ở người cao tuổi

08-10-2019 07:02 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Loãng xương là một bệnh lý khá phổ biến ở người cao tuổi. Việc sử dụng thuốc giúp ngăn ngừa quá trình loãng xương tiến triển là rất cần thiết nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Loãng xương là một bệnh lý của hệ thống xương làm giảm tỷ trọng của xương kết hợp với sự hư biến cấu trúc của xương làm cho xương mỏng manh và yếu đến mức rất dễ gãy dù bị một sang chấn nhẹ. Khi còn trẻ tuổi (dưới 25 tuổi) thì cơ thể đang phát triển, hoạt động của các tạo cốt bào mạnh hơn hoạt động của hủy cốt bào, khối lượng khoáng chất của bộ xương tăng dần cùng với sự phát triển của cơ thể để đạt tới khối lượng xương đỉnh. Ở độ tuổi 25-40, hoạt động của tạo cốt bào cân bằng với hoạt động của hủy cốt bào nên giữ cho khối lượng của bộ xương ổn định trong suốt thời kỳ trưởng thành, đây là giai đoạn bộ xương có khối lượng khoáng cao nhất.

Từ 40 tuổi trở đi, hoạt động của hủy cốt bào lớn hơn hoạt động của tạo cốt bào, do vậy khối lượng khoáng của bộ xương sẽ giảm dần, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh. Tốc độ mất xương của phụ nữ nhanh hơn nhiều so với nam giới cùng tuổi. Esrtogen đóng vai trò vận chuyển và gắn kết canxi với tế bào khung xương. Bởi thế, khi bước vào tuổi mãn kinh, lượng estrogen ở phụ nữ suy giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới xương. Vì vậy, phụ nữ sau mãn kinh sẽ phải gánh chịu hai quá trình gây loãng xương, đó là loãng xương do tuổi và loãng xương do thiếu hụt estrogen. Trong 5-10 năm đầu của thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương có thể lên đến 2-4% khối lượng xương mỗi năm.

Hiện tại có nhiều phương pháp và thuốc để điều trị loãng xương nhưng chưa có biện pháp nào chặn đứng được quá trình tiến triển của bệnh, vì thế tìm cách làm chậm quá trình phát triển bằng cách áp dụng các biện pháp phòng bệnh có được hiệu quả nhiều hơn.

Nguyên tắc điều trị cần phối hợp nhiều phương pháp gồm: vận động thể chất phù hợp, đề phòng ngã khi đi lại, chế độ ăn hợp lý (cung cấp đủ năng lượng và canxi) và dùng thuốc một cách khoa học.

Khi bị loãng xương cần dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Khi bị loãng xương cần dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Bổ sung canxi và vitamin D

Canxi: Sau mãn kinh có thể làm giảm tỷ lệ mất chất xương, nhất là ở các xương ngoại vi. Phụ nữ được uống canxi sau mãn kinh đã giảm được tỷ lệ gãy xương xuống một nửa so với phụ nữ không dùng canxi. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên bổ sung theo chỉ định của bác sĩ; nên ăn các thức ăn giàu canxi như tôm, cua…

Calcitonin: Thuốc có tác dụng ức chế trực tiếp hoạt động của hủy cốt bào. Khi dùng kéo dài sẽ làm giảm đời sống và số lượng hủy cốt bào bằng cách ức chế sự biệt hóa của các tiền chất của hủy cốt bào. Calcitonin dạng hít đường mũi có thể phòng mất bè xương ở phụ nữ bắt đầu mãn kinh, nhưng phải dùng liều kéo dài. Calcitonin và biphosphonat hoạt động trên xương bè hơn là xương vỏ, khi chỉ định calcitonin cần thiết phải bổ sung canxi, nếu không sẽ gây nhuyễn xương. Còn biphosphonat làm giảm tiêu xương bởi hủy cốt bào. Biphosphanat có ba thế hệ, trong đó các thuốc thuộc thế hệ 3 có thể ngăn sự mất bè xương khi dùng thuốc kéo dài, ngoài ra chúng còn điều trị gãy xương và nhược xương do loãng xương sau mãn kinh. Vì thế, phụ nữ bước vào độ tuổi tiền mãn kinh hay mãn kinh có gãy xương thường được chỉ định dùng thuốc phối hợp cùng nhóm biphosphonat.

Vitamin D: Làm tăng hấp thụ calci và phospho tại ruột, do đó nó có vai trò quan trọng trong điều trị và dự phòng loãng xương. Tại thận, nó làm giảm tái hấp thu calci, vì thế tránh dùng liều cao vitamin D. Người lớn tuổi thường khả năng hấp thu vitamin D3 giảm nên cần bổ sung vitamin D3. Sự kết hợp giữa vitamin D và canlci có thể làm giảm 30% tỷ lệ gãy xương ở bệnh nhân lớn tuổi. Cần lưu ý đối với các trường hợp suy thận, có tiền sử gãy cổ xương đùi, loãng xương với mật độ xương ở cổ xương đùi thấp tuyệt đối không được kết hợp flour với calci.

Thuốc nội tiết

Vì loãng xương có liên quan đến sự suy giảm nội tiết tố của cả hai giới nên việc sử dụng hormon sinh dục trị liệu được dùng như một liệu pháp thay thế hormon nhằm duy trì khối lượng xương, nó có tác dụng trên cả xương bè và xương vỏ. Ở phụ nữ, các thuốc nội tiết chống chỉ định trong các trường hợp có u hoặc ung thư ở vú và tử cung, buồng trứng, lạc nội mạc tử cung tiến triển, hoặc tiền sử gia đình có người có ung thư vú. Trong trường hợp phụ nữ cắt bỏ hai buồng trứng chỉ cần điều trị estrogen mà không sợ nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, các trường hợp mãn kinh tự nhiên có thể dùng phối hợp estrogen-progesteron là phương pháp điều trị duy trì khả năng phòng mất vỏ xương và bè xương.

Trong phòng loãng xương ở nam giới thì ngoài chế độ luyện tập và ăn uống có thể bổ sung andriol, là một liệu pháp nội tiết đóng vai trò giảm nguy cơ loãng xương vì nó liên quan đến việc suy giảm testosteron khi nam giới càng cao tuổi. Việc dùng thuốc nội tiết ở nam giới cần thận trọng trên bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.


BS. Nguyễn Thị Hương
Ý kiến của bạn