Thuốc phòng ngừa HIV hoạt động như thế nào?

27-09-2023 17:01 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS – Thuốc phòng ngừa HIV hay điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) giúp ngăn chặn HIV xâm nhập vào cơ thể…

PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV.

Các thử nghiệm về PrEP đã diễn ra ở châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Hiệu quả của thuốc đã được ghi nhận sau những thử nghiệm lâm sàng trên nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, người dị tính và cả những người tiêm chích ma túy. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV lên đến trên 90% ở những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Tuy nhiên, để PrEP có thể phát huy được tối đa hiệu quả, người dùng phải tuân thủ việc uống thuốc mỗi ngày và đúng giờ.

photo-1695803561443

PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV.

1. PrEP có an toàn và hiệu quả không?

Nếu bạn dùng PrEP đúng cách, nó có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm HIV qua đường tình dục là 99%. Đối với người sử dụng ma túy, PrEP có thể giúp bạn giảm nguy cơ khoảng 74%

PrEP có hiệu quả nhất khi bạn dùng thuốc theo đúng quy định. Nguy cơ bị nhiễm bệnh của bạn sẽ cao hơn nếu bạn không dùng thuốc theo chỉ dẫn. Nó được coi là rất an toàn. Không có báo cáo về vấn đề nghiêm trọng ở những người dùng PrEP.

2. Cách sử dụng PrEP

Bạn có thể dùng PrEP dưới dạng thuốc viên hàng ngày hoặc tiêm hai tháng một lần. Có hai loại thuốc viên được dùng uống hàng ngày là: Emtricitabine kết hợp với tenofovir disoproxil fumarate (truvada) và emtricitabine kết hợp với tenofovir alafenamide (descovy).

Có một loại thuốc tiêm là hỗn dịch tiêm giải phóng kéo dài cabotegravir (apretude).

Bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn nào là tốt nhất dựa trên các yếu tố cụ thể. Ví dụ: Nếu bạn có nguy cơ nhiễm HIV do quan hệ tình dục và tiêm chích ma túy, bác sĩ có thể khuyên dùng truvada. Nếu nguy cơ của bạn chủ yếu là do quan hệ tình dục, có thể dùng descovy. Nếu bạn tiêm chích ma túy, không nên tiêm PrEP.

PrEP không được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp sau khi phơi nhiễm HIV. Nếu bạn đã tiếp xúc với HIV trong 72 giờ qua, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc về điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP).

3. PrEP hoạt động như thế nào?

PrEP hoạt động bằng cách ngăn chặn một loại enzyme mà HIV cần để tạo ra các bản sao của chính nó hoặc sao chép trong cơ thể. Sau khi bạn bắt đầu dùng PrEP, nó sẽ đạt đến một mức nhất định trong máu và trong màng nhầy giúp bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm trùng.

Đối với PrEP hàng ngày, có thể bắt đầu có tác dụng sau một vài ngày. Thuốc cần thời gian để đạt đến một mức độ nhất định trong cơ thể để có được sự bảo vệ tốt nhất.

Đối với PrEP tình huống (được sử dụng mỗi khi có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV), bạn cần uống 2 viên cho liều đầu tiên trong vòng từ 2-24h trước khi quan hệ tình dục; uống viên thứ 3 sau liều đầu 24; uống viên thứ 4 sau liều đầu 48h. Những ngày tiếp theo nếu có quan hệ tình dục, người sử dụng ED-PrEP (PrEP tình huống), có thể tiếp tục uống 1 viên mỗi ngày và ngừng uống sau lần quan hệ tình dục cuối cùng 2 ngày.

photo-1695803562721

Cách uống PrEP tình huống.

4. Lưu ý trước khi dùng PrEP

Đối với những người có nguy cơ cao, cần xét nghiệm HIV trước khi bắt đầu dùng PrEP, vì nếu bạn đã nhiễm HIV, việc dùng thuốc PrEP có thể tạo ra tình trạng kháng thuốc, điều này có thể khiến việc điều trị nhiễm HIV của bạn kém hiệu quả hơn.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ở nước ta, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được triển khai đa dạng thông qua các mô hình TelePrEP, PrEP trực tuyến, OS, lưu động... Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Đã có 210 cơ sở triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố.

Bạn hãy liên hệ với các cơ sở điều trị HIV/AIDS hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được biết thêm thông tin chi tiết.

5. Tác dụng phụ của PrEP là gì?

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng PrEP như:

  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • buồn nôn
  • Phản ứng da như phát ban
  • Đau bụng

Các tác dụng phụ này có thể sẽ thuyên giảm theo thời gian. Trong trường hợp không cải thiện, bạn cần trao đổi với bác sĩ điều trị.

Mẹ "có H" vẫn có thể sinh con âm tính với HIVMẹ 'có H' vẫn có thể sinh con âm tính với HIV

SKĐS - Mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con âm tính với HIV nếu tiếp cận sớm với thuốc kháng virus và các dịch vụ hỗ trợ trong quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú...


Dương Sơn
Ý kiến của bạn