Thuốc chống lao có nhiều loại, được chia làm nhiều nhóm. Mỗi loại thuốc đều có độc tính cao đối với một số cơ quan như gan, thận, thần kinh... Mặt khác, do hiện tượng vi khuẩn lao kháng thuốc nên trong phác đồ điều trị lao phải phối hợp nhiều loại thuốc càng làm cho mức độ nhiễm độc thuốc tăng cao đặc biệt là đối với gan.
![]() Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Vì sao phải dùng nhiều thuốc trong điều trị lao?
Mỗi thuốc chống lao hoạt động theo một cơ chế riêng biệt. Sự đa dạng trong cơ chế hoạt động là một thuận lợi vì Mycobacterium tuberculosis là vi khuẩn ái khí, tốc độ chuyển hóa và nhân lên của chúng thay đổi tùy theo cung cấp ôxy trong môi trường. Trong hang lao, vi khuẩn nhân lên nhanh, dùng INH, rifampicin và streptomycin có hiệu quả. Còn trong đại thực bào hay tổn thương bã đậu kín, sự tǎng sinh của vi khuẩn chậm lại, pyrazinamid có tác dụng tốt, tiếp theo là rifampicin và INH. Bệnh lao ngày nay đang có xu hướng quay lại với những hình thức khó trị hơn là lao kết hợp HIV/AIDS và lao đa kháng thuốc. Bệnh nhân có HIV bị bệnh lao nhạy cảm thuốc nên điều trị 2 tháng bằng INH, rifampicin, pyrazinamid và ethambutol, sau đó củng cố trong 7 tháng bằng INH và rifampicin. Mặc dù đã có nhiều thuốc điều trị lao, nhưng lao đa kháng thuốc hiện đang trở thành mối lo ngại vì BK đang ngày càng “khôn ngoan” hơn. Hiện tại, người ta khuyên dùng 3 thuốc nếu khả nǎng kháng thuốc thấp, còn ở những nơi có tỉ lệ kháng thuốc >4% cần bổ sung thêm thuốc thứ tư là ethambutol.
Thuốc chống lao gồm nhiều loại thuốc, mà phản ứng có hại cũng rất khác nhau đối với mỗi thuốc. INH có độc tính gan và có thể gây viêm dây thần kinh ngoại vi. Rifampicin có độc tính gan và có thể gây thiếu máu tan máu, là chất tác động mạnh tới các men gan và có thể gây nhiều tương tác thuốc. Ethambutol có thể gây tǎng acid uric máu và viêm thị thần kinh liên quan đến liều dùng. Pyrazinamid có thể gây tǎng acid uric máu và gây độc gan. Streptomycin phải dùng đường tiêm bắp gây đau, gây độc cho tai.
Và thuốc phối hợp bảo vệ gan
Dùng thuốc trị lao có nhiều độc tính và tác dụng phụ, thuốc lao đa số lại độc với gan nên khi điều trị cần phải phối hợp thêm các thuốc bổ trợ như vitamin B1, C, B6, Các thuốc bảo vệ gan như arginin, L-orthinin asparat, sylimarin, các thuốc nhuận gan, giải độc. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc bảo vệ nhu mô gan, tăng cường chức năng gan có tác dụng hỗ trợ khi gan bị tổn thương hay bị rối loạn chức năng... Sau đây là một số thuốc hay dùng:
Vi khuẩn lao. |
- Cianidanol: trung hòa gốc tự do, ổn định màng lybosom tế bào gan, tăng khả năng đáp ứng miễn dịch.
- Essential: là các phospholipid chủ yếu có tính năng điều hòa chức năng gan, giúp cho sự tái tạo ti lạp thể ở gan, hoạt hóa hệ thống enzym ở đó và tham gia vào chức năng giải độc của gan.
- Flumeciol: Là chất cảm ứng enzym, bảo vệ nhu mô gan (nhờ có tính giải độc với một số hóa chất thuốc).
- Biphenyl dimethyl dicarboxylat (BDD): Là chất tổng hợp, tương tự schisandrin-C, giúp cho việc khử độc của gan; Tham gia vào quá trình tái tạo gan; Tăng đáp ứng miễn dịch giúp điều trị nhiễm độc miễn dịch; Bảo vệ gan, chống lại tổn thương gan do dùng rượu, thuốc; Làm giảm nhanh men gan tăng bất thường, cải thiện đáng kể chức năng gan.
- Silibinin (legalon): Là hỗn hợp flavonoid chiết từ cây silybum marianum asteraceae có tính năng bảo vệ gan (ổn định màng tế bào, duy trì các chức năng nhu mô gan), hướng mỡ, kích thích quá trình tái tạo nhu mô gan. Dùng bảo vệ nhu mô gan khi dùng các thuốc có độc với gan.
- Silymarin: là chất chiết từ cây Cardus marianus, có tính năng và tác dụng như silibinin.
DS.Quỳnh Nga