Vai trò của hormon
Trong cơ thể, hormon là những chất hóa học được bài tiết bởi các tuyến nội tiết hòa vào máu rồi máu chuyên chở đi khắp nơi, gặp các tế bào đáp ứng sẽ điều hòa chuyển hóa, hoạt động các tế bào này. Như hormon gọi là insulin được bài tiết bởi tuyết nội tiết là tuyến tụy, adrenalin được bài tiết bởi tuyến vỏ thượng thận... Chính nhờ các hormon mà toàn bộ các chức năng của cơ thể mới được thể hiện điều hòa như quá trình tăng trưởng, phát triển, tạo nhịp sinh học, tiến hành chuyển hóa thức ăn, thức uống...
Mỗi hormon chỉ tác dụng lên một mô hay cơ quan gọi là mô đích như TSH (thyroid stimulating hormon) chỉ tác động lên tuyến giáp, hay hormon ACTH chỉ tác động lên tuyến vỏ thượng thận... Nhưng cũng có hormon có thể tác động lên mọi mô, cơ quan trong cơ thể như GH (growth hormon) giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển toàn diện.
Hormon có thể có cấu trúc rất phức tạp gọi là cấu trúc steroid (hormon sinh dục) nhưng cũng có cấu trúc đơn giản là acid amin, polypeptide (hormon tuyến giáp, hormon tuyến tủy thượng thận). Hormon tác động với liều lượng rất nhỏ, tức chỉ với lượng rất nhỏ (tính đơn vị là microgram) đã có thể gây biến đổi rất lớn.
Dùng thuốc nội tiết phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Hormon có nhiệm vụ giống như “người đưa thư”. Chúng là công cụ hóa học truyền các tín hiệu từ tế bào này đến tế bào khác. Chúng gửi các tín hiệu đến các cơ quan, các mô và các tế bào thông qua đường máu để thực hiện các chức năng vốn có ở nơi tiếp nhận.
Một số vai trò quan trọng của hormon là: thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của tế bào hoặc các mô; giúp chuyển hóa thức ăn; duy trì sự phát triển bình thường của cơ quan sinh sản, chức năng tình dục; duy trì nhiệt độ cơ thể; điều chỉnh tâm trạng và chức năng nhận thức...
Mọi sự mất cân bằng trong bài tiết hormon trong cơ thể đều dẫn đến bệnh lý, vì thế chính cơ thể có cơ chế “điều hòa ngược” (feedback) điều hòa bài tiết hormon. Tức là khi nồng độ hormon giảm, sự giảm này sẽ kích thích tuyến chỉ huy ra lệnh cho tuyến nột tiết bài tiết nhiều hormon hơn để đưa nồng độ hormon tăng trở lại mức bình thường. Ngược lại, khi nồng độ hormon tăng quá mức, sự tăng có tác dụng ức chế tuyến chỉ huy và tuyến chỉ huy ra lệnh cho tuyến nội tiết giảm bài tiết hormon để nồng độ trở lại mức bình thường.
Khi nào dùng thuốc nội tiết?
Tuổi tác, rối loạn di truyền, bệnh tật, tiếp xúc với chất độc bên ngoài môi trường và thậm chí là phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể đều có thể ảnh hưởng tới khả năng bài tiết hormon với liều lượng mà cơ thể cần. Rối loạn hormon (cả tăng hoặc giảm) đều có thể tác động tiêu cực tới cơ thể, ảnh hưởng đến nhiều chức năng, bộ phận khác nhau. Những rối loạn thường gặp là rối loạn: hormon tuyến giáp, hormon tuyến tụy, hormon tuyến thượng thận, hormon tuyến sinh dục (nam và nữ)… Trong những trường hợp này, các bác sĩ có thể kê đơn các thuốc gọi là thuốc nội tiết khôi phục lại sự cân bằng lượng hormon trong cơ thể của bạn.
Trong trường hợp thiếu hụt hormon, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc nội tiết gọi là trị liệu thay thế. Như phụ nữ được cho dùng thuốc chính là hormon sinh dục nữ là estrogen và progesterone gọi là liệu pháp hormon thay thế (HRT) giúp điều trị các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc là dẫn chất estrogen, thường kết hợp thêm dẫn chất progesteron hay còn gọi progestin (progestin và estrogen là hai hormon nữ giúp người phụ nữ có kinh nguyệt và thụ thai) nhằm bổ sung sự thiếu hụt mà cơ thể không thích ứng được và bị rối loạn. Còn bệnh nhân nam có khi được bác sĩ cho dùng bổ sung testosterone là hormon sinh dục nam để trị yếu sinh lý, tăng cường khả năng hoạt động tình dục, hoặc dùng trị rối loạn tình dục di truyền như hội chứng Klinefelter. Hoặc bệnh nhân được cho dùng thuốc thay thế hormon tuyến giáp như levoxyl hoặc synthroid (levothyroxine) để điều trị suy giảm chức năng tuyến giáp gọi là nhược giáp…
Thuốc nội tiết cũng có thể dùng chỉ các thuốc trị sự dư thừa hay hoạt động quá mức của hormon, trong trường hợp này gọi là thuốc kháng hormon. Như người bệnh có tuyến giáp hoạt động quá mạnh tiết quá nhiều hormon tuyến giáp là thyroxin đưa đến bệnh cường giáp. Khi đó, bác sĩ cho dùng thuốc kháng giáp là propylthiouracil hoặc methimazole gây ức chế sự tổng hợp hormon tuyến giáp để người bệnh trở lại trạng thái ổn định hormon tuyến giáp gọi là bình giáp.
Nguy cơ khi dùng không đúng thuốc nội tiết
Ta cần biết, bất cứ thuốc nào, kể cả vitamin được cho là thuốc bổ đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nó nếu không được dùng đúng cách, đúng liều, và đặc biệt khi cả dùng đúng cách đúng liều. Những bất lợi do dùng thuốc gây ra được gọi chung là “phản ứng có hại của thuốc” (ADR). ADR còn được gọi bằng tên khác như tác dụng phụ, tác dụng ngoại ý, tác dụng không mong muốn… Riêng thuốc nội tiết gây rất nhiều ADR vì vậy hầu hết các thuốc nội tiết (ngoại trừ thuốc tránh thai) là thuốc thuộc loại kê đơn, tức thuốc bán phải có đơn thuốc của bác sĩ sau khi bác sĩ khám chẩn đoán bệnh phải dùng thuốc nội tiết. Nếu sử dụng bừa bãi sẽ làm tổn hại sức khỏe của người dùng thuốc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ, hormon sinh dục nam testosterone dùng không đúng ở người nam sẽ làm vô sinh, hay dùng không đúng ở người nữ thì làm nam hóa (giọng trầm, mọc râu…).
Liệu pháp hormon thay thế đã được chứng minh có thể cải thiện đáng kể hội chứng hậu mãn kinh, giảm nguy cơ gãy xương (thường có gãy cổ xương đùi và xương quay cánh tay) do loãng xương, giảm rõ rệt hiện tượng teo và viêm teo của đường tiết niệu. Tuy nhiên, lợi ích của liệu pháp được công nhận trước đây là làm giảm tần suất và tính nghiêm trọng của bệnh lý tim mạch, đến nay đã có các công trình nghiên cứu xem xét lại.
Như vậy, ta thấy việc dùng liệu pháp hormon thay thế, trong đó có việc bổ sung estrogen là không đơn giản, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn và sự cập nhật thông tin thường xuyên. Thuốc có nguồn gốc hormon nói chung, trong đó có estrogen phải do bác sĩ chỉ định và hướng dẫn sử dụng.
Để sử dụng liệu pháp hormon an toàn, cần lưu ý
Chống chỉ định (tức không được dùng) liệu pháp hormon thay thế ở phụ nữ ngờ rằng có thai, chảy máu bất thường âm đạo, có tiền sử bị nhồi máu cơ tim hay bị huyết khối, có bệnh về gan; Cân nhắc cho sử dụng hormon với liều thấp nhất và cảnh giác với các tác dụng phụ thuộc loại hiếm nhưng nghiêm trọng mới được ghi nhận: ung thư vú, ung thư tử cung, gây huyết khối, nhồi máu cơ tim… Ngoài ra, dùng thuốc chứa estrogen còn có thể gây những tác dụng phụ như nhức đầu, đau vú, nôn, rụng tóc, chảy máu âm đạo bất thường...