Thuộc nhóm có mức sinh thấp, TPHCM thực hiện thông điệp 'Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con'

11-07-2024 15:19 | Y tế

SKĐS - TPHCM có thể gặp nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nếu tình trạng mức sinh thấp kéo dài như hiện nay.

TPHCM hiện đang được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp trong cả nước. Số liệu thống kê năm 2023 cho thấy số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thành phố là 1,32 con, thấp nhất trong cả nước. 

Trước tình trạng này, ngành Y tế thành phố kêu gọi người dân cùng chung tay thực hiện thông điệp "Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con".

Đây là những nội dung chính được đưa ra tại Lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp và kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2024 chủ đề "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững", diễn ra vào ngày 11/7 do Sở Y tế TPHCM tổ chức.

Thuộc nhóm có mức sinh thấp, TPHCM thực hiện thông điệp 'Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con'- Ảnh 1.

Các đơn vị ký kết phối hợp triển khai công tác dân số năm 2024. Ảnh: Xuân Dự.

Ông Phạm Chí Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM - cho biết: "Mức sinh thấp kéo dài gây ra những hệ lụy tiêu cực như tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh, tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi. Mức sinh thấp và già hóa dân số làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố".

Theo ông Phạm Chí Trung, việc mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của thành phố, kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.

Thuộc nhóm có mức sinh thấp, TPHCM thực hiện thông điệp 'Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con'- Ảnh 2.

Đoàn xe diễu hành truyền thông về nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: Xuân Dự.

Bên cạnh việc đưa ra giải pháp về vấn đề mức sinh thấp, trong chiến dịch truyền thông dân số, ngành Y tế TPHCM cũng thực hiện nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn cho thanh niên, các cặp đôi để khởi đầu cuộc sống hôn nhân thuận lợi và xây dựng gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, ngành y tế cũng tăng cường phổ biến lợi ích của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh nhằm can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển khỏe mạnh.

Được biết, nhân sự kiện 30 năm thực hiện Chương trình hành động về Dân số và Phát triển, Bộ Y tế đã lựa chọn thông điệp "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững" là chủ đề cho ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2024. Trong 30 năm qua, công tác dân số tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công; Cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh; Tuổi thọ trung bình của người dân được nâng cao, đạt 74,5 tuổi (theo kết quả sơ bộ trong Niên giám thống kê năm 2023); Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện.

21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, đối diện với nhiều hệ luỵ: Bộ Y tế đề xuất giải pháp gì?21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, đối diện với nhiều hệ luỵ: Bộ Y tế đề xuất giải pháp gì?

SKĐS - Việt Nam đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng. Ngoài 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, có 21 tỉnh, thành đang có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp. Dự thảo Luật Dân số được xây dựng đề xuất một số giải pháp để cân bằng mức sinh.


Xuân Dự
Ý kiến của bạn