Điều trị đột quỵ không chỉ là vấn đề can thiệp kịp thời trong những giờ đầu tiên sau khi khởi phát triệu chứng. Mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong điều trị và chăm sóc đột quỵ, nhưng hiện hơn 50% người bệnh sau đột quỵ bị di chứng lâu dài, bao gồm mất cử động chủ động ở tay và chân, rối loạn ngôn ngữ, trầm cảm, suy giảm nhận thức, động kinh… cần được chăm sóc hoặc hỗ trợ.
Vì vậy, nhu cầu về các liệu pháp dùng thuốc để cải thiện khả năng phục hồi ngày càng cấp bách. Để tìm ra phương pháp điều trị mới có thể thúc đẩy sự phục hồi và giảm gánh nặng kinh tế xã hội cho người bệnh đột quỵ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Gothenburg và Cologne đã thực hiện thử nghiệm một thuốc nhỏ mũi điều trị đột quỵ trên chuột.
Loại thuốc được nghiên cứu chứa một peptide được gọi là C3a, được sản xuất tự nhiên trong hệ thống thần kinh trung ương. Nghiên cứu trước đây cho rằng peptide có thể giúp khôi phục chức năng vận động ở người bị đột quỵ. Peptide C3a bị bất hoạt nếu dùng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch nên các nhà nghiên cứu đã sử dụng thuốc nhỏ mũi.
Thuốc được dùng cho chuột bảy ngày sau khi bị đột quỵ. Chụp cộng hưởng từ (MRI) sau đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc điều trị bằng peptide C3a làm tăng sự hình thành các kết nối mới giữa các tế bào thần kinh trong não chuột, giúp phục hồi chức năng vận động nhanh hơn và tốt hơn. Peptide C3a ảnh hưởng đến chức năng của tế bào hình sao, tức là các tế bào kiểm soát nhiều chức năng của tế bào thần kinh ở cả não khỏe mạnh và não bị bệnh.
Giáo sư Marcela Pekna, chuyên gia về miễn dịch học thần kinh tại Học viện Sahlgrenska, Đại học Gothenburg, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Với phương pháp này, chúng ta không cần phải chạy đua với thời gian. Vì loại thuốc này có thể áp dụng với tất cả bệnh nhân đột quỵ ngay cả những người đến bệnh viện quá muộn để làm tan hoặc lấy huyết khối. Những di chứng sau khi cục máu đông được loại bỏ cũng có thể được cải thiện với phương pháp điều trị này"".
Nghiên cứu cũng chỉ ra kết quả tích cực của thuốc vẫn tồn tại lâu dài sau khi động vật thí nghiệm ngừng điều trị.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Uống trà tâm sen có tốt không?