Nhiều bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến đáp ứng tốt với liệu pháp điều trị mới
Thuốc nhắm trúng đích - talazoparib- một liệu pháp điều trị ung thư có tên gọi là chất ức chế PARP, đặc biệt nhắm vào các tế bào ung thư có gen sửa chữa DNA bị lỗi, giúp làm chậm sự phát triển của khối u ở một số bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối.
Những bệnh nhân nam mang gen đột biến BRCA đặc biệt đáp ứng tốt với thuốc talazoparib. Có khoảng một nửa số bệnh nhân có khuyết tật gen BRCA2 hoặc BRCA1 đáp ứng với phương pháp điều trị này. Đây là lần đầu tiên thuốc được chứng minh tính hiệu quả và độ an toàn đối với bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Thử nghiệm TALAPRO-1 do GS. Johann de Bono tại Viện Nghiên cứu Ung thư, London, thực hiện ở hơn 100 bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối có khối u đột biến ở một hoặc nhiều gen sửa chữa DNA và những bệnh nhân đã được điều trị bằng hóa trị liệu và enzalutamide và/hoặc abiraterone trước đó.
Kết quả mới nhất của nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Oncology nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện xét nghiệm di truyền gen ở bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt, nhằm xác định phân nhóm bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị cho phù hợp.
Gần 1/3 tổng số bệnh nhân (31 trên tống số 104 người tình nguyện) nhận talazoparib cho đáp ứng tốt với thuốc. Những người bệnh mang gen BRCA đột biến có tỷ lệ đáp ứng cao nhất - 46% ở nhóm BRCA2 và 50% ở nhóm có gen BRCA1 đột biến. Bên cạnh đó, một số nam giới có khối u chứa đột biến ở PALB2 hoặc ATM cũng phản ứng tốt với talazoparib.
Ưu điểm của thuốc nhắm mục tiêu so với hóa trị
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc sử dụng talazoparib làm chậm sự tiến triển của bệnh trung bình khoảng 11,2 tháng ở những bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt có các gen BRCA bị lỗi; kéo dài thời gian trước khi ung thư có cơ hội di căn xa hơn.
Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của thuốc là thiếu máu, nhưng rất ít bệnh nhân ngưng dùng talazoparib vì tác dụng phụ. Nhìn chung, talazoparib có khả năng dung nạp tốt, và vì đây là phương pháp điều trị nhắm mục tiêu nên nó là một lựa chọn tốt dành cho bệnh nhân hơn là hóa trị liệu.
So với các tế bào ung thư có sẵn hệ thống sửa chữa DNA mắc lỗi, chẳng hạn như BRCA, ATM hoặc PALB2, talazoparib hoạt động bằng cách ngăn chặn sự sửa chữa tổn thương DNA qua trung gian PARP, khiến các tế bào ung thư không thể tự phục hồi.
Talazoparib đã được EU phê duyệt vào năm 2019 cho một số bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn và các nhà nghiên cứu hy vọng rằng nó sẽ cùng với olaparib trở thành một trong những phương pháp điều trị nhắm mục tiêu di truyền đầu tiên cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Cơ hội dành cho những bệnh nhân đã hết sự lựa chọn
Theo GS. Johann de Bono, kết quả của nghiên cứu này là một minh chứng khác cho thấy các chất ức chế PARP hoạt động tốt ở nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt, giúp trì hoãn sự lây lan của bệnh và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.
Những người mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối và đã được hóa trị trước đó, bệnh nhân có gen sửa chữa DNA mắc lỗi cũng đáp ứng rất tốt với thuốc talazoparib, đặc biệt là những người mang gen đột biến BRCA trong khối u.
Một thử nghiệm giai đoạn III có tên là TALAPRO-2 vẫn tiếp tục được thực hiện, mở ra hy vọng phát triển talazoparib trở thành loại thuốc nhắm trúng đích mới cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt, kể cả những bệnh nhân không còn sự lựa chọn nào hoặc những người không mang gen đột biến BRCA.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T