Thuốc ngủ benzodiazepin có an toàn tuyệt đối?

23-12-2010 10:11 | Dược
google news

Dược chất có tác dụng an thần, gây ngủ benzodiazepin có vẻ được coi như là một thuốc bổ trợ mà nhiều người đã sử dụng chúng như một thứ thuốc thường quy trong trị bệnh. Thực hư thuốc này chỉ có tác dụng gây ngủ hay còn có tác dụng nào nữa?

Dược chất có tác dụng an thần, gây ngủ benzodiazepin có vẻ được coi như là một thuốc bổ trợ mà nhiều người đã sử dụng chúng như một thứ thuốc thường quy trong trị bệnh.  Thực hư thuốc này  chỉ có tác dụng gây ngủ hay còn có tác dụng nào nữa?

Tác dụng của thuốc

Benzodiazepin là một chất đồng vận của GABA - một chất trung gian thần kinh loại ức chế ở thần kinh trung ương. GABA gắn kết vào một bơm clo ở màng tế bào thần kinh, kích thích mở bơm để clo đi vào trong tế bào. Khi clo đi vào trong tế bào quá trình ức chế xảy ra. (xem hình dưới)

Cách thức hoạt động của benzodiazepin.

Sau những nghiên cứu phân tích điện sinh lý, người ta thấy benzodiazepin làm tăng khả năng hoạt động của bơm trên hệ thần kinh gắn GABA. Bằng cách cùng gắn vào một thụ thể của phức hợp GABA-benzodiazepin, benzodiazepin dường như làm tăng khả năng gắn kết của GABA vào thụ thể, tăng khả năng hoạt hoá của bơm clo và tăng tần suất mở để hoạt động. Một mình GABA gắn vào thụ thể bơm vận chuyển clo thì khả năng hoạt hoá bơm clo thấp. Nhưng khi có thêm benzodiazepin gắn kết, dường như bơm mở ra dễ dàng hơn. Chính điều này đã làm cho benzodiazepin có tác dụng an thần, gây ngủ, gây mê, giãn cơ và chống co giật. Trên phương diện tác dụng gây ngủ, benzodiazepin có tác dụng rút ngắn thời gian đi vào giấc ngủ, giảm thời lượng giấc ngủ nông, tăng thời lượng giấc ngủ sâu. Như vậy rất có ý nghĩa với những bệnh nhân bị bệnh mất ngủ kéo dài, đặc biệt là ở những đối tượng có hội chứng lo âu, hội chứng cai, co giật cơ…

Tuy nhiên, nhiều người đã sử dụng thuốc ngủ benzodiazepin như một thứ thuốc thường quy trong đơn thuốc để trị bệnh. Vậy có phải cứ mất ngủ là tìm đến thuốc ngủ?

Có phải cứ mất ngủ là uống?

Mặc dù được coi là vị thuốc ít độc hại thần kinh nhất trong họ hàng những thuốc an thần gây ngủ nhưng không phải vì thế mà nó là một thuốc an toàn tuyệt đối.

Một trong các tác dụng phụ điển hình nhất của nhóm này là gây gà gật vào ngày hôm sau. Người sử dụng benzodiazepin có biểu hiện lơ mơ, ngầy ngật, khó làm chủ bản thân và khó thực hiện những động tác chính xác. Song song với tác dụng này là hiện tượng rối loạn hành vi và nhận thức đối với người sử dụng. Một số báo cáo cũng cho thấy, các benzodiazepin có thể làm xuất hiện các tác dụng ngoại tháp như run tay tự động kiểu Parkinson.

Nếu người mẹ có sử dụng benzodiazepin trong 3 tháng đầu thai kỳ thì có thể gây ra quái thai. Sử dụng nhiều benzodiazepin trong thời kỳ mang thai còn gây các rối loạn khác cho trẻ sơ sinh như giảm trương lực cơ, giảm phản xạ mút và bú, giảm thân nhiệt, ức chế hô hấp ở trẻ em.

Ngoài ra, khi sử dụng không thận trọng, thuốc có thể gây tác dụng phụ thuộc sau một thời gian sử dụng và có thể gây hội chứng cai sau khi ngừng thuốc.

Những đối tượng cần lưu ý

Cần tuyệt đối thận trọng với phụ nữ mang thai, nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ để tránh nguy cơ quái thai cho thai nhi.

Với người có rối loạn về hô hấp hay tim mạch cần hết sức lưu ý kê đơn vì biến cố gây ngừng hô hấp -tuần hoàn dẫn đến tử vong. Những người bệnh bị suy hô hấp, bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thể nặng, những người bệnh bị suy tim, rối loạn nhịp tim, ngoại tâm thu ác tính… cần đặc biệt được lưu ý và theo dõi về hai chức năng sống này khi có sử dụng nhóm thuốc này phụ trợ.

Cũng cần thận trọng sử dụng thuốc này ở người già và người mắc các chứng bệnh về gan vì tốc độ chuyển hoá thuốc ở những đối tượng này bị chậm lại gây tồn lưu thuốc lâu trong cơ thể. Một liều thuốc bằng 1/2 liều thông thường ở người trẻ là một khuyến cáo sử dụng an toàn.

Không nên sử dụng thuốc này với một số loại kháng sinh nhóm macrolid vì chúng ức chế cạnh tranh chuyển hoá tại gan gây thời gian bán huỷ dài. Cũng cần lưu ý khi sử dụng những thuốc này ở những bệnh nhân đang sử dụng levodopa để điều trị Parkinson vì chúng có khả năng làm giảm tác dụng của thuốc chống Parkinson, tăng phản ứng ngoại tháp.

Những phụ nữ bị chứng lãnh cảm tình dục tuyệt đối không sử dụng benzodiazepin vì chúng làm giảm ham muốn tình dục ở nữ giới.

Để nhằm giữ tác dụng và ngăn chặn phụ thuộc trong điều trị, phải tiến hành giảm liều từ từ trước khi ngừng thuốc. Việc giảm liều nên được thực hiện ngay sau 2 tuần dùng thuốc. Với những người sử dụng liệu trình ngắn thì nên giảm 1/2 liều trong một tuần. Nhưng với những người có liệu trình sử dụng dài thì việc giảm liều nên giảm 1/8 liều trong mỗi 2 tuần.        

  BS. Yên Lâm Phúc


Ý kiến của bạn