Hà Nội

Thuốc nào trị viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em?

14-08-2018 07:17 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thời tiết nóng với độ ẩm cao, mưa nhiều... là một trong những yếu tố làm gia tăng tỉ lệ bệnh đường hô hấp. Trong đó viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em trong thời tiết này.

Khi trẻ mắc bệnh không phải là khó chữa nhưng lại rất dễ tái phát nếu không có một chế độ chăm sóc và điều trị cũng như phòng bệnh đúng cách.

Điều trị viêm tiểu phế quản như thế nào?

Như trên đã nói, viêm tiểu phế quản ở trẻ em có tới trên 90% là do virut, do đó việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh là không cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế lâm sàng thì chúng tôi lại thấy có tới 90% các đơn thuốc với chẩn đoán viêm phế quản có sử dụng kháng sinh. Liệu pháp kháng sinh chỉ dùng khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn như: tổng trạng xấu, sốt kéo dài, nghi ngờ ho gà (để tránh lây lan) và ở những trẻ có nguy cơ cao bị viêm phổi; trẻ bị suy giảm miễn  dịch...

Việc điều trị viêm tiểu phế quản xoay quanh 2 vấn đề: điều trị triệu chứng và liệu pháp kháng sinh (khi cần).

Điều trị triệu chứng:

Hạ sốt: Mặc dù các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, nếu để trẻ sốt ở mức độ vừa phải bệnh sẽ nhanh khỏi hơn là cố tình hạ sốt bằng mọi giá. Tuy nhiên, khi trẻ sốt cao cần phải hạ sốt để tránh các biến chứng có thể gặp. Có 2 loại thuốc hạ sốt quan trọng được dùng cho trẻ là acetaminophen (paracetamol) và ibuprofen. Nhưng với thuốc ibuprofen chỉ được sử dụng khi có hướng dẫn của bác sĩ. Nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao (từ 40 độ trở lên) hoặc sốt dưới 40 độ nhưng cơn sốt làm cho trẻ rất khó chịu (quấy khóc, lừ đừ...). Với những trẻ có bệnh lý ở tim, phổi, thần kinh… cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc hạ sốt. Tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ em bởi thuốc có nhiều tác dụng phụ. Lau mát để giúp hạ sốt cho trẻ cũng là một biện pháp nhưng không được khuyến cáo thường quy, chỉ nên dùng khi trẻ sốt cao dùng thuốc hạ sốt không bớt và khoảng cách giữa các cơn sốt dày hơn khoảng thời gian chỉ định uống thuốc. Hiện nay, một số phụ huynh rất thích dùng miếng dán hạ sốt cho trẻ, nhưng đây là biện pháp không có hiệu quả.

Cần xông mũi cho trẻ ở cơ sở y tế để đánh giá hiệu quả của thuốc.

Cần xông mũi cho trẻ ở cơ sở y tế để đánh giá hiệu quả của thuốc.

Điều trị ho: Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hòa Kỳ (FDA) và AAP (Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ) khuyến cáo, không nên dùng thuốc giảm ho cho trẻ em dưới 2 tuổi. Bởi ho là một phản xạ có lợi để tống đờm, vi khuẩn ra ngoài. Tuy nhiên, khi trẻ ho nhiều dẫn đến nôn ói, mất ngủ… phụ huynh có thể áp dụng một số cách an toàn như: massage gan bàn chân, uống mật ong pha với nước ấm. Nếu phải dùng thuốc thì nên chọn sản phẩm thảo dược. Thường trẻ chỉ ho nhiều trong tuần đầu sau đó sẽ giảm dần và tự khỏi.

Thuốc trị sổ mũi, nghẹt mũi: Không nên dùng các thuốc kháng histamin và các thuốc chống sung huyết mũi để làm thông khô mũi trẻ vì nhóm này nguy cơ tác dụng phụ cao, đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi. Nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ. Cần phun hơi ẩm trong phòng có thể giúp trẻ bớt khô mũi. Không cần khí dung  nước muối hoặc thuốc giãn phế quản nếu trẻ không có khò khè hoặc khò khè nhưng không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.

Thuốc làm loãng đờm: Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có tác dụng làm loãng đờm, giảm độ dính của đờm như acetylcystein, bromhexin, carbocystein… Tuy nhiên, hiệu quả của những thuốc này ở trẻ em khá hạn chế. Thuốc chỉ phát huy tác dụng khi trẻ được uống đủ nước. Trong khi bản thân nước đã giúp làm loãng đờm tốt nhất, vì vậy khuyến khích trẻ uống nhiều nước là biện một pháp điều trị hỗ trợ quan trọng.

Khí dung thuốc giãn phế quản: Khi trẻ có hiện tượng khò khè do co thắt phế quản có thể bác sĩ sẽ kê cho trẻ thuốc giãn phế quản khí dung (ventolin). Tuy nhiên, chỉ tiếp tục khí dung nếu tình trạng khò khè có cải thiện phần nào sau lần khí dung đầu tiên. Do vậy nên khí dung tại cơ sở y tế và bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả của thuốc. Không nên sử dụng các thuốc giãn phế quản đường uống vì hiệu quả thấp mà lại có tác dụng phụ như: run tay, hồi hộp đánh trống ngực, đỏ mặt…

Thuốc kháng virut: Nói chung là thuốc kháng virut không được khuyến cáo sử dụng thường quy trong bệnh viêm tiểu phế quản. Tuy nhiên, tùy trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ có thể cân nhắc nếu nghi ngờ trẻ bị viêm tiểu phế quản do virut cúm. Trong trường hợp này, thuốc kháng virut cúm cần được sử dụng trong 36 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng để phát huy hiệu quả.

Kháng sinh: Chỉ được sử dụng khi trẻ có biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi... Những trường hợp này cần phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhi.


BS. Trần Văn
Ý kiến của bạn