Do bệnh khởi phát sau một nhiễm trùng từ đường ruột hoặc đường niệu nên việc điều trị bệnh phải kết hợp dùng thuốc điều trị nguyên nhân và thuốc điều trị triệu chứng. Với từng bệnh nhân, cách điều trị viêm khớp phản ứng sẽ khác nhau.
Nguyên nhân nào gây bệnh viêm khớp phản ứng?
Viêm khớp phản ứng có thể phát triển phản ứng với nhiễm trùng từ một phần khác của cơ thể như bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, sinh dục hoặc đường tiết niệu. Mặc dù viêm khớp phản ứng không phải là bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên, các vi khuẩn gây ra nó có thể truyền từ người bệnh sang người lành trong quan hệ tình dục hoặc trong quá trình nấu ăn, do vậy, bệnh lại có thể lây. Bệnh thường phát triển liên quan tới một số nhóm người có yếu tố cao mắc phải như yếu tố di truyền và giới tính.
Thực tế lâm sàng cho thấy, những người có dấu hiệu di truyền, dù bản thân nó không phát triển thành bệnh nhưng khi nhiễm khuẩn thì nguy cơ phát triển thành bệnh viêm khớp phản ứng tăng cao. Bệnh xảy ra thường xuyên nhất ở nam giới từ 20-40 tuổi. Mặc dù phụ nữ cũng có thể có viêm khớp phản ứng nhưng thường có các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ hơn. Cả hai giới có tỉ lệ mắc bệnh viêm khớp phản ứng đối với nhiễm trùng truyền qua thực phẩm là ngang nhau nhưng nếu bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn đường sinh dục thì tỉ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn. Đó chính là lý do mà bệnh thường xuất hiện ở nam giới ở độ tuổi sinh hoạt tình dục mạnh.
Chỉ dùng thuốc khi được bác sĩ kê đơn.
Biện pháp điều trị
Mục tiêu của điều trị là để làm giảm các triệu chứng và điều trị bệnh nhiễm trùng dẫn đến viêm khớp phản ứng. Tùy từng trường hợp cụ thể với mức độ, giai đoạn bệnh của từng bệnh nhân bị viêm khớp phản ứng mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị khác nhau. Các thuốc có thể dùng:
Sử dụng kháng sinh: Kháng sinh để điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn, từ đó dẫn tới bệnh viêm khớp phản ứng. Tuy nhiên, dùng kháng nhóm nào còn phụ thuộc vào vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài ra, với các dấu hiệu viêm khớp và các triệu chứng khác dùng:
Thuốc giảm đau kháng viêm: Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có tác dụng làm giảm viêm và đau. Các NSAIDs thường được sử dụng bao gồm ibuprofen, naproxen,meloxicam, rofecoxib, nimesulid… Đây là nhóm thuốc có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, do vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh ở đường tiêu hóa nếu có (như viêm loét dạ dày - tá tràng) để bác sĩ có biện pháp phòng ngừa biến chứng do tác dụng phụ của thuốc gây ra như dùng thêm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Corticosteroid: Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có chỉ định dùng đường toàn thân hoặc tiêm trực tiếp tại khớp bị viêm. Tiêm corticosteroid vào khớp bị ảnh hưởng có thể làm giảm viêm và cho phép khớp trở về mức độ hoạt động bình thường. Tuy nhiên, dùng đường nào thì cũng phải được theo dõi chặt chẽ vì thuốc có nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng. Riêng đường tiêm tại chỗ phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa khớp có kinh nghiệm.
Thuốc chẹn TNF: TNF là một protein do cơ thể sản sinh ra trong phản ứng viêm, thúc đẩy quá trình viêm, sốt và các dấu hiệu có liên quan (đau, nhạy cảm đau và sưng) trong một số bệnh cảnh viêm gồm cả viêm khớp dạng thấp. Do đó, các thuốc ức chế TNF-alpha sẽ có tác dụng chống viêm, giảm đau, giảm sưng tại các tổ chức viêm và có thể làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp. Các loại thuốc trong nhóm này như: etanercepx và infliximab…
Điều trị phòng ngừa: Sử dụng các thuốc điều trị bệnh đường tiêu hóa (nếu bệnh viêm khớp phản ứng do nguyên nhân này) cùng với tập vật lý trị liệu sớm để ngăn ngừa các biến chứng teo cơ, cứng khớp đồng thời phục hồi chức năng vận động của xương khớp. Bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân một liệu pháp vật lý phù hợp, giúp những người bị viêm khớp cải thiện chức năng khớp. Mỗi một bệnh nhân lại có một bài tập cụ thể cho các khớp và cơ bắp bị viêm. Tăng cường các bài tập có giá trị để phát triển các cơ quanh khớp bị ảnh hưởng, tăng hỗ trợ khớp và làm tăng tính linh hoạt các khớp nối và làm giảm độ cứng của khớp.
Với từng bệnh nhân, cách điều trị viêm khớp phản ứng sẽ khác nhau. Do đó, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về chữa trị. Ngay khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đến ngay các cơ sở chuyên khoa uy tín để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, chẩn bệnh chính xác và có phương pháp khắc phục hiệu quả nhất. Ngoài việc hiểu biết về bệnh, mỗi người nhất là đối với những người có khả năng mắc bệnh cao thì nên ý thức được việc phòng tránh bệnh.