Thuốc nào trị viêm da do tiếp xúc với chất tẩy rửa?

24-12-2019 07:14 | Thông tin dược học

SKĐS - Gần đây, mỗi khi giặt quần áo hay rửa bát xong là hai bàn tay tôi lại đỏ ửng lên và rất ngứa...

Tôi bị bệnh gì và có thuốc nào để chữa trị?

Nguyễn Thu Thùy (Vĩnh Phúc)

Với các biểu hiện mà bạn mô tả thì rất có thể bạn đã bị viêm da tiếp xúc. Đây là căn bệnh phổ biến về da. Đó là tình trạng da phản ứng khi tiếp xúc với các hóa chất hoặc vật dụng có khả năng gây dị  ứng như: Chất tẩy, xà phòng, dầu thơm, mỹ phẩm, dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc... Biểu hiện tại chỗ vùng da bị tiếp xúc xuất hiện triệu chứng ngứa ngáy khó chịu, viêm đỏ, phù nề (đặc biệt là rất ngứa). Nếu bị nhiều lần da ở chỗ đó thường dày lên do gãi, chà xát... Bệnh còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến thẩm mỹ của làn da.

Viêm da tiếp xúc là bệnh phổ biến về da.

Viêm da tiếp xúc là bệnh phổ biến về da.

Trước hết bạn cần loại bỏ tác nhân gây dị ứng (tránh tiếp xúc trực tiếp) với các chất tẩy rửa trên thì bệnh sẽ đỡ hoặc khỏi hẳn hoàn toàn. Thông thường, viêm da tiếp xúc thường khỏi sau khoảng 2 - 4 tuần không tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên với một số trường hợp thì thời gian bị viêm có thể kéo dài hơn.

Nếu viêm da tiếp xúc với các biểu hiện nhẹ  (ngứa, rỉ nước vùng da nhỏ) có thể bôi dung dịch milian, rửa thuốc tím hoặc bôi kem cortibion. Nếu bôi trong 3 ngày không đỡ cần phải đi khám bệnh. Không được bôi thuốc nhiều lần trong ngày và quá 3 ngày. Đặc biệt, không được bôi các bột kháng sinh như: penicilin, tetracyclin vào chỗ da ngứa, chảy nước. Trường hợp nặng hơn (ngứa lan rộng, phản ứng nhiều nơi...) cần đến bác sĩ da liễu khám bệnh để được điều trị đúng cách.

Lưu ý, chữa viêm da tiếp xúc nên tránh sử dụng thuốc bôi ngoài da kháng histamin. Nếu người bệnh bị ngứa nhiều, bác sĩ có thể chỉ định uống một đợt thuốc kháng histamin.

Với trường hợp của bạn để xác định mức độ bệnh, nên đi khám để được dùng thuốc thích hợp.

BS. Nguyễn Tuấn Anh


Ý kiến của bạn