1. Các thuốc điều trị rối loạn tiền đình
1.1. Thuốc kháng histamin
Các thuốc này bao gồm scopolamine, dimenhydrinate hoặc promethazine...
Tác dụng: Các thuốc kháng histamin có tác dụng cải thiện tình trạng buồn nôn, chóng mặt... triệu chứng của rối loạn tiền đình.
Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ của thuốc như gây buồn ngủ, mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa.
Lưu ý: Nên uống thuốc sau khi ăn no để hạn chế những tác dụng phụ.
1.2. Thuốc chống nôn
Tác dụng: Các thuốc chống nôn giúp giảm nôn, giảm đau đầu, hoa mắt, chóng mặt trong rối loạn tiền đình. Một số thuốc thường dùng là primperan, domperidone...
Tác dụng phụ: Khi dùng thuốc primperan có thể gặp một số tác dụng phụ như: Tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi và yếu cơ bất thường, ngủ gà, rối loạn trương lực cơ cấp tính đặc biệt ở những người bệnh nữ trẻ, bồn chồn; domperidom có thể gây khô miệng, đau đầu, phát ban, ngứa da, đỏ mắt, kinh nguyệt không đều
Lưu ý: Bệnh nhân không được dùng thuốc mà chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa vì thuốc này có thể tương tác với thuốc khác.
Ngoài ra có thể dùng acetylleucine để điều trị các cơn chóng mặt khi bị rối loạn tiền đình. Tác dụng phụ thường gặp là phát ban da (đôi khi kết hợp với ngứa), nổi mày đay. Không dùng acetylleucine quá liều chỉ định, không dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
1.3. Nhóm thuốc cải thiện tuần hoàn não
Tác dụng: Nhóm thuốc này tác động trên não bộ và hệ thần kinh, có tác dụng bảo vệ chống lại tình trạng thiếu oxy ở các cơ quan này. Thường dùng là piracetam, ginkgo biloba...
Ở người lớn, thuốc piracetam được chỉ định để điều trị chóng mặt và các rối loạn thăng bằng đi kèm, ngoại trừ choáng váng có nguồn gốc do vận mạch hoặc tâm thần. Ginkgo biloba giúp cải thiện lưu thông máu bằng cách làm giãn mạch máu và giảm độ kết dính của tiểu cầu, do đó có thể hỗ trợ điều trị rối loạn tiền đình.
Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ thường gặp như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng...
Lưu ý: Không dùng thuốc piracetam trong những trường hợp bệnh nhân suy thận nặng, suy gan, xuất huyết não. Tránh dùng Ginkgo biloba cho những người đang có triệu chứng chảy máu, phụ nữ mang thai.
1.4. Nhóm thuốc ức chế canxi
Tác dụng: Nhóm thuốc này có công dụng giảm thiểu triệu chứng đau nửa đầu, chóng mặt hay thiểu năng tuần hoàn não, thường dùng như thuốc flunarizine...
Tác dụng phụ: Thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ rũ rượi, rối loạn tiêu hóa, nguy cơ trầm cảm, tác động tới hệ thần kinh và làm tăng các triệu chứng ở người bệnh Parkinson.
Lưu ý: Đây là thuốc cần được kê đơn và chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc. Thuốc có thể gia tăng triệu chứng ngoại tháp, trầm cảm và bộc phát hội chứng Parkinson.
1.5. Nhóm an thần kinh benzodiazepine
Tác dụng: Các thuốc nhóm an thần kinh benzodiazepine như diazepam, lorazepam… là những thuốc có tác dụng an thần, làm cho tiền đình hai bên được cân bằng, giảm triệu chứng chóng mặt, giảm lo lắng, căng thẳng.
Lưu ý: Không nên dùng thuốc này trong thời gian dài vì có thể khiến bệnh nhân bị lệ thuộc vào thuốc, nghiện thuốc. Do đó, các thuốc này phải được kiểm soát chặt chẽ.
2. Lưu ý khi dùng thuốc
Để điều trị hiệu quả, người bệnh rối loạn tiền đình cần thực hiện:
- Không dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Một số thuốc nên uống thuốc sau bữa ăn để tránh kích ứng dạ dày.
- Không uống thuốc cùng với rượu, bia và các chất kích thích.
- Thận trọng dùng thuốc cho: Phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em, khi đang vận hành máy móc, lái xe, các trường hợp mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
- Khi dùng thuốc trị rối loạn tiền đình nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có cách xử trí kịp thời.
- Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ nhàng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Rối loạn tiền đình có thể gây đột quỵ.