Hồ Hương Giang (Hà Nội)
Có thể nói, lo lắng trong cuộc sống là bình thường và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu lo lắng quá mức, kéo dài... có thể là dấu hiệu của rối loạn lo âu, cần phải dùng thuốc... Một số thuốc được dùng trong điều trị rối loạn lo âu như:
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc: Gồm citalopram, escitalopram, fluoxetine, paroxetine, sertraline... Những loại thuốc này thường bắt đầu có hiệu lực trong vòng 2-6 tuần; sử dụng tối đa 12 tháng, sau đó giảm dần liều lượng. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng với tất cả mọi người.
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI): Các loại thuốc này hoạt động bằng cách giảm sự tái hấp thu của não đối với các hóa chất serotonin và norepinephrine. Một số thuốc thường dùng như duloxetine, venlafaxine... cũng phải mất vài tuần mới có hiệu lực.
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Amitriptyline, imipramine, nortriptyline... có thể hữu ích cho một số người bệnh, đặc biệt là nếu các loại thuốc khác không được đáp ứng.
Các thuốc an thần: Các thuốc này làm giảm các triệu chứng thể chất của sự lo lắng, chẳng hạn như cơ bắp căng thẳng. Những loại thuốc này có tác dụng thư giãn và tác dụng của chúng diễn ra trong vòng vài phút, bao gồm: Alprazolam, diazepam, lorazepam... Mặc dù có hiệu quả cao đối với các vấn đề ngắn hạn, nhưng các bác sĩ cũng rất thận trọng khi kê các benzodiazepin này vì chúng trở nên kém hiệu quả hơn theo thời gian và có thể gây nghiện.
Để điều trị rối loạn lo âu, bác sĩ có thể dùng thuốc hoặc dùng thuốc kết hợp với liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hoặc một loại trị liệu khác... phù hợp với từng người bệnh sao cho hiệu quả nhất.
Vì vậy, bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân và có kế hoạch điều trị thích hợp. Trong quá trình điều trị nếu nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào từ việc dùng thuốc, cần trao đổi với bác sĩ để có được lời khuyên hoặc đổi thuốc phù hợp.