Có loại thuốc nào chữa mụn cóc không? Mong bác sĩ tư vấn.
Vũ Thu Hà (Hà Nội)
Mụn cóc là bệnh ở da gồm các tổn thương da và niêm mạc do virut Human papilloma (HPV) gây ra. Virut khiến các tế bào ở lớp ngoài cùng của da tăng sinh nhanh. Tùy theo chủng virut mà hình thành các thương tổn khác nhau như những sẩn, u nhỏ trên da và niêm mạc. Các tổn thương khi bị mụn cóc có thể lây nhiễm giữa các vùng khác nhau trên cơ thể hay sang người khác khi có sự tiếp xúc với các dịch tiết của tổn thương.
Các tổn thương khi bị mụn cóc có thể lây nhiễm khi có sự tiếp xúc với dịch tiết của tổn thương.
Để điều trị mụn cóc thông thường có thể dùng acid salicylic với nồng độ từ 5 - 40%. Thuốc bôi tại chỗ, có tác dụng bong lớp sừng, tỷ lệ khỏi 70 - 80%. Ngoài ra, có thể dùng thuốc cantharidin (tác dụng hoại tử thượng bì và nhổ bật mụn cóc khỏi da); thuốc acid trichloacetic với nồng độ 80% gây hoại tử tổ chức của mụn cóc; thuốc acid aminolevoulinic (ALA) làm tăng nhạy cảm ánh nắng phối hợp với ánh sáng xanh trong điều trị mụn cóc rất thành công; thuốc podophyllin (Podocon-25) là loại nhựa cây có chứa nhiều hợp chất gây độc tế bào được dùng trong điều trị mụn cóc sinh dục.
Tuy nhiên, khi dùng thuốc điều trị mụn cóc cần lưu ý, các thuốc trị mụn cóc do bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Các thuốc này đều dễ gây độc, không bôi lên da lành, tránh thuốc dây vào mắt, nếu không may vào mắt phải rửa nước trong 15 phút và đến bác sĩ chuyên khoa mắt điều trị tiếp.
Để dự phòng và giữ mụn cóc không lây ra những vùng khác trên cơ thể cần luôn giữ tay và chân khô ráo; thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người có mụn cóc; không bóc mụn cóc. Khi thấy có mụn cóc cần đi khám chuyên khoa da liễu để được điều trị dùng thuốc phù hợp.
Chúc bạn mau khỏi!
DS. Ngô Phương