Thuốc nào trị lang ben?

20-07-2020 14:27 | Thông tin dược học

SKĐS - Trên ngực tôi xuất hiện các chấm màu trắng ở da, sau đó lan rộng ra thành từng mảng. Khi mồ hôi ra khiến tôi ngứa ngáy, khó chịu. Có phải tôi bị lang ben, nên dùng thuốc gì để chữa trị?

Trần Văn Nam (Hà Nội)

Lang ben là một trong các bệnh lý da liễu thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là một bệnh nấm nông thường gặp ở da với các biểu hiện khởi đầu bằng những chấm màu hồng, nâu hoặc trắng ở trên bề mặt da. Sau đó các chấm lớn dần về kích thước và có hiện tượng lan rộng thành từng mảng lớn, ranh giới rõ phân biệt với vùng da lành. Vị trí thường gặp ở lưng, ngực, cổ, đôi khi ở mặt. Một số trường hợp gặp ở chân tay và thân mình. Tổn thương không đau, bình thường ít ngứa rát, chủ yếu bị ngứa khi ra mồ hôi. Bệnh tăng lên ở thời tiết nóng ẩm và khi cơ thể bị tăng tiết mồ hôi...

Về thuốc trị lang ben, hiện nay hay dùng thuốc trị tại chỗ hoặc toàn thân, tùy theo tình trạng người bệnh.

Điều trị tại chỗ (là chủ yếu) thường dùng các thuốc chống nấm dạng bôi ngoài da như: ketoconazole 2%, terbinafine 1% hay ciclopirox 1%...

Chú ý, cần làm sạch da và lau khô vùng da cần điều trị trước khi bôi thuốc. Không để thuốc dây vào mắt, mũi hay miệng. Chỉ nên thoa lớp thuốc mỏng lên da hoặc vị trí da bị bệnh theo liều lượng 1-2 lần/ngày. Thời gian bôi thường trong 2 tuần (theo chỉ định của bác sĩ). Cần chú ý đến một vài tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như: Cảm giác nóng rát hoặc kích ứng da, dị ứng chỗ bôi thuốc. Khi quá liều như thoa thuốc quá nhiều trên da có thể gây ban đỏ, phù và cảm giác nóng bỏng. Những triệu chứng này sẽ mất khi ngừng bôi thuốc.

Trong trường hợp người bệnh thất bại với các thuốc bôi tại chỗ hoặc tổn thương lan rộng, bệnh hay tái phát... bác sĩ sẽ phải kê đơn thuốc uống như: itraconazole, fluconazole... Do thuốc độc với gan nên người bệnh có vấn đề về gan cần thông báo cho bác sĩ biết, hoặc phải đánh giá chức năng gan trước khi dùng thuốc.

Trong quá trình trị liệu, người bệnh cần lưu ý: Tránh nhiệt độ quá cao; hạn chế việc ra mồ hôi của cơ thể; tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng nhiều, có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, không dùng chung đồ đạc (vì đây là bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc hoặc qua dùng chung đồ như quần áo, khăn tắm, vật dụng cá nhân...).



BS. Nguyễn Tuấn Anh
Ý kiến của bạn