Thuốc nào trị giun kim?

15-08-2018 20:07 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Em có con gái được 4 tuổi, cháu phát triển chiều cao và cân nặng bình thường, nhưng gần đây em thấy con có biểu hiện bứt rứt, khó chịu, chán ăn, ngứa hậu môn, nhất là về đêm.

Có lần em lấy đèn pin soi thì thấy có giun kim bò ra. Xin bác sĩ cho biết cần dùng thuốc gì để diệt loại giun này?

Trần Hoàng Lan (Ninh Bình)

Theo như bạn mô tả trong thư thì rất có thể cháu đã bị nhiễm giun kim vì khi nhiễm loại giun này, trẻ thường có biểu hiện chán ăn, ăn không tiêu, đôi lúc có buồn nôn hoặc nôn, đau bụng âm ỉ, khó ngủ, dễ khóc đêm, bứt rứt, khó chịu. Có thể thấy giun ở hậu môn là giun cái bò ra để đẻ trứng.

Nhiễm giun kim rất thường gặp ở trẻ em do ăn thức ăn chưa nấu chín, thường xuyên nghịch đất cát, không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn... Hiện nay, việc điều trị giun kim ở trẻ em có thể sử dụng một số loại thuốc như albendazol, mebendazol, và pyrantel pamoat.

Albendazol là thuốc trị giun sán phổ rộng, có thể đạt tỷ lệ khỏi 100% khi dùng liều duy nhất 400mg cho người lớn và trẻ trên hai tuổi. Phản ứng không mong muốn sau dùng thuốc có thể gặp là đau bụng và tiêu chảy nhưng hiếm khi xảy ra.

Mebendazol liều duy nhất 100mg cũng có hiệu quả cao, tuy nhiên cần nhai thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất.

Pyrantel pamoat có hiệu quả cao, với tỷ lệ chữa khỏi trên 95% và có thể gặp tác dụng phụ nhưng ít bao gồm nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt và buồn ngủ.

Để đảm bảo việc dùng thuốc an toàn và chữa bệnh hiệu quả, bạn nên đưa con đến khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng để được xác định chính xác bệnh vì nhiều khi biểu hiện ngứa do giun kim cần được phân biệt với các loại ngứa tương tự do nhiễm nấm, dị ứng, trĩ, viêm trực tràng, nứt trực tràng, giun lươn và các bệnh khác. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc có cần phải nhắc lại hay không cũng cần có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ về thời gian và liều lượng để diệt tận gốc loại giun này và tránh tái nhiễm.

BS. Nguyễn Văn Đức


Ý kiến của bạn