Nguyễn Thu Hằng (Hà Nội)
Sẹo lồi là sự phát triển quá mức của tổ chức xơ sau tổn thương da. Sẹo lồi hình thành là do lúc da bị tổn thương và tự lành đi, tổ chức mô sợi trong lớp bì phát triển quá mức, kể cả số lượng lẫn trật tự. Điều này khiến cho bề mặt da trồi lên một khối thịt dày và kích thước tùy thuộc tổn thương lúc đầu. Nguyên nhân gây ra sẹo lồi hiện nay vẫn chưa rõ. Thông thường, sẹo lồi hay gặp ở người có cơ địa sẹo lồi, người trẻ dưới 30 tuổi có màu da sẫm, tỷ lệ người già và trẻ em mắc phải là rất thấp. Ngoài ra, sẹo lồi còn xuất hiện khi vết thương quá căng, quá chùng, có vật lạ tồn tại trong da. Sẹo lồi không bao giờ giảm theo thời gian, cảm giác thường ngứa, đôi khi đau khi chạm vào sẹo.
Hiện nay, điều trị sẹo lồi vẫn còn là vấn đề nan giải của chuyên ngành da liễu vì tỷ lệ đáp ứng điều trị thấp và tỷ lệ tái phát cao. Muốn trị sẹo lồi hiệu quả, cần thực hiện càng sớm càng tốt, sẹo chỉ dễ làm mờ ngay sau khi vết thương kéo da non. Để lâu, cấu trúc sẹo đã hình thành sẽ rất khó điều trị.
Trị sẹo lồi bằng cách tiêm thuốc là phương pháp được nhiều người áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Tiêm trực tiếp corticosteroid vào mô sẹo giúp phá hủy các tổ chức xơ của sẹo, giảm kích thước và độ gờ của sẹo. Thuốc thường được dùng là triamcinolone acetonide. Phương pháp này đơn giản, tương đối an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình điều trị kéo dài từ 6-12 tháng, chi phí lớn. Khi tiêm cần chú ý tiêm vào trong sẹo, không được tiêm vào vùng tổ chức da lành để hạn chế các biến chứng do thuốc. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp là teo da tại vùng tiêm, giãn mạch, mọc lông, trứng cá, rối loạn kinh nguyệt, mất sắc tố không hồi phục… Có thể dùng tiêm nội sẹo đơn độc hoặc kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật lạnh, phẫu thuật cắt bỏ, laser trị sẹo lồi…
Bạn không nên tự ý mua thuốc về dùng mà cần đến chuyên khoa da liễu để bác sĩ khám, có hướng điều trị cụ thể và bạn cần tuân thủ chỉ định và phác đồ điều trị.
Chúc bạn thành công!
DS. Trần Minh Thành