Thuốc nào trị chứng rụng tóc, hói đầu?

13-12-2021 16:54 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Rụng tóc là hiện tượng thường gặp ở cả 2 giới. Tuy rụng tóc không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng nếu rụng tóc dẫn đến hói đầu sẽ khiến người bệnh thiếu tự tin. Vậy có cách nào để trị tình trạng rụng tóc, hói đầu?

1. Rụng tóc, nguyên nhân do đâu?

Rụng tóc là tình trạng có thể gặp ở tất cả mọi người, không chỉ riêng ở người lớn mà ngay cả trẻ em cũng có thể bị rụng tóc. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như mất cân bằng nội tiết; sinh hoạt không điều độ; thiếu hụt dưỡng chất (vitamin B5, Biotin…), áp lực, căng thẳng, lo lắng quá nhiều; sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh; các bệnh lý tại da đầu hoặc do yếu tố nội tiết, phụ nữ sau sinh, sử dụng quá nhiều mỹ phẩm trên tóc…

Tuy nhiên, 80% trường hợp rụng tóc có liên quan đến sự mất cân bằng hormon dihyrotestosterone (DHT) trong cơ thể.

2. Thế nào được gọi là chứng rụng tóc?

Mỗi người khi sinh ra đã được định sẵn số lượng khoảng 100.000 nang tóc. Giai đoạn tăng trưởng sợi tóc là từ 2 đến 6 năm. Giai đoạn tiến triển tóc kéo dài từ đến 3 tuần. Giai đoạn tồn tại sợi tóc kéo dài từ 2 đến 3 tháng, sau đó tóc bắt đầu rụng và chu trình mọc tóc mới bắt đầu.

Các nang lông (tóc) có thể to ra hay nhỏ đi dưới tác động tại chỗ hoặc toàn thân và chu trình mọc tóc có thể bị xáo trộn nhưng số lượng nang tóc là cố định, không thể thay đổi. Tuy nhiên, do gen di truyền mỗi người khác nhau nên sẽ có khác biệt về số lượng tóc, sợi tóc dày hay mỏng, màu tóc, tóc xoăn hay tóc thẳng…

Thuốc nào trị chứng rụng tóc, hói đầu? - Ảnh 1.

Tóc rụng hơn 100 sợi tóc mỗi ngày được gọi là bệnh rụng tóc.

Bình thường mỗi ngày có khoảng 50 - 100 sợi tóc bước vào cuối giai đoạn tồn tại và rụng đi trong khi một số nang tóc tương đương bắt đầu giai đoạn tăng trưởng. Tốc độ rụng tóc tương đồng với tốc độ mọc tóc nên số lượng tóc trên đầu gần như duy trì nguyên vẹn..

Tình trạng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi/ngày được gọi là chứng rụng tóc. Rụng tóc có thể xảy ra ở với bất kỳ ai, không kể tuổi tác, nam hay nữ, người lớn hoặc trẻ em.

Thực tế lâm sàng thì tất cả các trường hợp rụng tóc đều bị tác động hay bị gián đoạn ở một trong các giai đoạn của chu kỳ mọc tóc. Nội tiết tố nam androgen giữ vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa sự tăng trưởng của lông - tóc.

3. Điều trị chứng rụng tóc, hói đầu bằng thuốc nào?

Rụng tóc là triệu chứng gây buồn phiền cho mọi người và khá phổ biến hiện nay. Do đó, mục đích của việc điều trị rụng tóc là kích thích sự mọc tóc làm tăng lượng tóc bao phủ da đầu và làm chậm lại quá trình rụng tóc. 

Về dùng thuốc điều trị, tùy bệnh rụng tóc sẽ được dùng thuốc khác nhau.

3.1 Điều trị rụng tóc có tính di truyền do nội tiết tố nam gây ra (androgenetic alopecia)

Đây là tình trạng rụng tóc có tính di truyền do nội tiết tố nam gây rụng tóc dẫn đến hói đầu ở nam giới và rụng tóc nhiều ở nữ giới. Tóc thường rụng và thưa dần ở lứa tuổi từ 12 đến 40 ở cả 2 giới và khoảng 50% dân số có biểu hiện này trước 50 tuổi.

Hiện nay chưa có loại thuốc nào có thể điều trị hữu hiệu cho người hói đầu hoàn toàn hay người rụng không còn sợi tóc nào ở 2 bên thái dương. Mục đích của việc điều trị là làm tăng lượng tóc bao phủ da đầu và làm chậm lại sự rụng tóc. Trong đó các thuốc finasteride, dung dịch minoxidil xịt tại chỗ là phương pháp điều trị phổ biến hiện nay.

Cả 2 loại thuốc này đều có tác dụng làm gia tăng lượng tóc bao phủ da đầu và chậm lại sự rụng tóc. Tuy nhiên, thuốc không thể phục hồi được toàn bộ lượng tóc và không phải mọi người được áp dụng đều có đáp ứng giống nhau. 

Thời gian điều trị cần thiết phải từ 6 đến 12 tháng mới có thể cải thiện được sự mọc tóc. Việc điều trị liên tục rất cần thiết để duy trì kết quả. Nếu ngưng điều trị, tóc có thể bị rụng lại sau 6 - 12 tháng và tình trạng sẽ trở lại giống như lúc ban đầu chưa điều trị.

Thuốc nào trị chứng rụng tóc, hói đầu? - Ảnh 2.

Rụng tóc gây hói đầu.

Finasteride giúp ngăn cản sự biến đổi testosterone thành dihydrotestosterone (viết tắt DHT là hormone sinh dục nam tồn tại trong tuyến thượng thận, nang tóc, tinh hoàn, và tuyến tiền liệt). Dùng finasteride ở nam giới làm giảm trên 60% nồng độ dihyrotestosterone ở huyết thanh và da đầu một cách nhanh chóng, do đó giúp hạn chế rụng tocs. Finasteride cũng không gây trở ngại cho hoạt động của testosterone. 

Thời gian điều trị với finasteride thường phải kéo dài từ 1 đến 2 năm. Tác dụng phụ thường xảy ra là các rối loạn về tình dục như: Giảm ham muốn, rối loạn cương dương, không xuất tinh… Các rối loạn này sẽ mất dần sau khi điều trị được một thời gian. Tác dụng phụ cũng biến mất hoàn toàn khi ngưng dùng thuốc.

3.1.1 Điều trị rụng tóc ở nam giới

Minoxidil: Có tác dụng làm giãn mạch, nên trước đây vốn từng được dùng để điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên sau đó người ta phát hiện thêm đặc tính kích thích sự mọc tóc, mà vẫn chưa rõ về cơ chế tác dụng (tác dụng này độc lập với tác dụng gây giãn mạch), do đó thuốc được sử dụng để điều trị rụng tóc.

Thuốc có tác dụng kích thích sự mọc tóc khi bị rụng tóc do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có rụng tóc có tính di truyền do nội tiết tố nam.

Minoxidil có tác dụng kéo dài giai đoạn tăng trưởng và làm trưởng thành các nang tóc chín non. Khi được dùng để điều trị rụng tóc rụng tóc có tính di truyền do nội tiết tố nam, thuốc có thể giúp cho tóc mọc ở những bệnh nhân bị rụng tóc từng vùng; chứng thiếu lông - tóc bẩm sinh… Thuốc có thể được dùng tại chỗ xịt 2 lần mỗi ngày.

Tác dụng phụ chủ yếu ở ngoài da như: Khô da, ngứa, đỏ da - tróc vẩy nhẹ… Hiện tượng này xuất hiện ở khoảng 7% người dùng dung dịch 2% và nhiều hơn ở những người dùng dung dịch 5% do nồng độ cao propylene glycol. Minoxidil cũng có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng hay viêm da tiếp xúc dị ứng với ánh sáng. Tình trạng rậm lông tóc cũng có thể xảy ra cho nữ giới khi dùng minoxidil nhưng hiếm gặp ở phái nam.

Ngoài ra, minoxidil có thể gây xáo trộn nhịp tim, huyết áp tâm thu cũng như tâm trương với liều dùng 2 lần mỗi ngày, nhất là đối với dung dịch 5%.

Thuốc nào trị chứng rụng tóc, hói đầu? - Ảnh 3.

Rụng tóc từng mảng.

3.1.2 Điều trị rụng tóc ở nữ giới

Androgenetic alopecia cũng xảy ra ở nữ giới nhưng thường được che phủ bởi bởi các kiểu tóc dài. Tóc rụng ở nữ có tính cách lan tỏa khắp da đầu nhưng thường gặp ở vùng trán hay 2 bên thái dương. Tiến trình rụng tóc thường chậm và ôn hòa hơn nam giới. Đa số phụ nữ bị rụng tóc androgenetic alopecia vẫn có các chức năng nội tiết bình thường, kể cả nồng độ androgen trong máu.

Minoxidil vẫn là thuốc điều trị tại chỗ thích hợp nhất. Dung dịch minoxidil được dùng xịt tại chỗ 2 lần mỗi ngày.

Tác dụng phụ của thuốc cũng xảy ra tương tự như ở nam giới nhưng tình trạng mọc nhiều lông có thể xuất hiện nhiều hơn. Vị trí mọc nhiều lông thường xảy ra ở chân mày, 2 bên gò má và đôi khi có ở cằm, mọc ria. Tác dụng gây rậm lông này sẽ giảm hay biến mất sau khoảng một năm sử dụng thuốc. Sau thời gian này, thì ngay cả khi vẫn tiếp tục dùng minoxidil thì tình trạng rậm lông cũng sẽ hết.

Finasteride: Không được dùng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai hay có thể mang thai.

Estrogen: Do vai trò của estrogen trong việc kích thích mọc tóc ở người không rõ ràng, nên estrogen dạng uống và dùng tại chỗ ít được chỉ định điều trị cho nữ giới bị androgenetic alopecia.

3. 2. Điều trị rụng tóc từng mảng (alopecia areata)

Bệnh này gây rụng tóc từng mảng, là một bệnh tự miễn khá phổ biến. Tóc rụng thành từng đốm tròn, nhỏ lốm đốm trên da đầu và có thể xâm lấn toàn bộ da đầu gây rụng tóc toàn thể. Alopecia areata có thể xảy ra cho cả 2 giới ở mọi lứa tuổi và thường bị bạch biến hoặc các bệnh về tuyến giáp.

Bệnh nhân bị rụng tóc alopecia areata được điều trị đồng thời giữa sự điều hoà hệ miễn dịch với glucocorticoides, điều trị miễn dịch tại chỗ, anthralin hay minoxidil.

Các thuốc này kích thích sự mọc tóc nhưng không ngăn ngừa được rụng tóc. Việc điều trị kéo dài cho đến khi nào bệnh giảm và các đốm rụng tóc có tóc mọc lại đầy đủ, có thể kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm.

Việc chọn lựa cách điều trị tuỳ thuộc vào tuổi bệnh nhân và mức độ trầm trọng của sự rụng tóc. Sự điều trị có hiệu quả tốt nhất ở các trường hợp rụng tóc vừa phải và không có hiệu quả trong các trường hợp rụng tóc hoàn toàn. Các nang tóc không bị phá huỷ ở các bệnh nhân bị alopecia areata và khả năng mọc tóc lại vẫn còn duy trì.

Glucocorticoides có thể được dùng tiêm tại chỗ cho các bệnh nhân bị alopecia areata có các sang thương giới hạn ở da đầu, chân mày và râu. Tóc mới sẽ mọc sau 4 tuần. Việc điều trị được lặp lại sau 4 đến 6 tuần. Một số bệnh nhân ở mức độ vừa có thể không có đáp ứng với trị liệu bằng phương pháp này. Tác dụng phụ chủ yếu của thuốc là gây teo da.

Glucocorticoides dùng tại chỗ sẽ có tác dụng tốt khi có sự phối hợp với các thuốc: Minoxidil, anthralin hay glucocorticoides toàn thân. Glucocorticoides dùng đường uống cũng rất hiệu quả nhưng ít khi được dùng vì có nhiều tác dụng phụ khi phải dùng lâu dài.

Glucocorticoides đường uống cũng được chỉ định cho các bệnh nhân bị Alopecia areata dạng tiến triển nhanh hay các trường hợp chậm đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Minoxidil: Dung dịch minoxidil dùng tại chỗ 2 lần/ngày có hiệu quả nhất trong việc điều trị alopecia areata ở nữ giới. Thuốc kích thích tốt sự mọc tóc ở các bệnh nhân rụng tóc lốm đốm nhưng không hiệu quả ở các bệnh nhân rụng tóc hoàn toàn.

Minoxidil cũng có thể dùng tại chỗ ở da đầu, chân mày hay vùng có râu của nam giới. Tóc thường mọc lại trong vòng 12 tuần sau điều trị và đáp ứng kéo dài 1 năm. Việc điều trị cần kéo dài cho đến khi tóc mọc lại hoàn toàn.

Anthralin: Là một chất miễn dịch không đặc hiệu, khá an toàn nên thường được chỉ định cho cả trẻ em và người lớn bị alopecia areata diện rộng hay rụng toàn bộ tóc. Tóc mới có thể mọc 2-3 tháng sau khi bắt đầu điều trị và khoảng 25% bệnh nhân tóc mọc đạt được yêu cầu thẩm mỹ sau 6 tháng điều trị.

Tác dụng phụ của anthralin là có thể gây kích ứng da và làm đỏ da tróc vẩy, ngứa ngáy. Vì vậy, nên rửa sạch sau 20 - 60 phút khi dùng kem anthralin.

Điều trị miễn dịch tại chỗ: Đây là phương pháp điều trị tương đối hiệu quả cho các bệnh nhân bị alopecia areata mãn tính với số lượng tóc rụng trên 50% da đầu.

Bệnh nhân được gây cảm ứng bằng cách dán vào da đầu một loại kháng nguyên mạnh có chứa diphenylcyclopropenone hay diphencyprone và squaric acid dibutyl ester. Da đầu sẽ bị viêm da dị ứng tiếp xúc và hồng ban, ngứa, tróc vẩy đủ để kích thích sự mọc tóc.

Cơ chế mọc tóc do sự cảm ứng tiếp xúc chưa được biết rõ nhưng có thể do sự tăng sinh của tế bào T ức chế không đặc hiệu hay sự ức chế của proinflammatory cytokines.

Tác dụng phụ của điều trị miễn dịch tại chỗ thường là ngứa và nổi hạch bạch huyết vùng cổ. Có thể xuất hiện bệnh bóng nước hay chàm toàn thân, tăng sắc tố, giảm sắc tố, mề đay, hồng ban đa dạng. Do đó, việc điều trị bằng phương pháp này chỉ được thực hiện ở bệnh viện.

4. Lưu ý đặc biệt khi điều trị rụng tóc

Do rụng tóc khiến người bệnh rất khó chịu vì mất thẩm mỹ, nhưng không gây khó chịu về mặt sức khỏe, nên đa số mọi người tìm đến các biện pháp điều trị trước khi đi khám bệnh. Hiện tượng sử dụng thuốc mọc tóc, thuốc chống rụng tóc bừa bãi, không theo chỉ định của bác sĩ cũng rất phổ biến.

Các loại thuốc điều trị rụng tóc xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường đều nhằm mục đích gây tác động đến chu trình mọc tóc, gia tăng chiều dài cũng như đường kính của sợi tóc nhưng với cơ chế khác nhau. Những loại thuốc được chào bán trên thị trường tuy có những thành phần cần thiết cho tóc chắc khỏe như các loại vitamin E, B3, B5, B6, vitamin H (biotin)… hay các loại thảo dược (hà thủ ô…), về bản chất chỉ tạm thời làm tóc mọc nhanh thêm, sắc tóc trông có vẻ đen, mướt hơn chứ không thể giúp một mái tóc thưa trở thành một mái tóc dày. Do đó, để có một mái tóc dày, khỏe qua việc dùng thuốc mọc tóc này là điều hoàn toàn không thể được.

Do đó, với người bị rụng tóc hoặc hói đầu thì cần đến khám bệnh tại các cơ sở chuyên khoa da liễu, do các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân chính xác gây rụng tóc, từ đó sẽ có lời khuyên hữu ích về việc dùng thuốc uống, thuốc bôi hoặc dầu gội để cải thiện tình trạng rụng tóc.

Mặc dù dùng biện pháp điều trị nào thì kết quả điều trị không thể phục hồi được toàn bộ lượng tóc như cũ. Hơn nữa, không phải tất cả mọi người được áp dụng đều có đáp ứng điều trị giống nhau.

Thời gian điều trị cần thiết phải từ 6 đến 12 tháng mới có thể cải thiện được sự mọc tóc và phải điều trị liên tục để duy trì kết quả. Nếu ngưng điều trị, tóc có thể bị rụng lại sau 6 đến 12 tháng và tình trạng sẽ trở lại giống như lúc ban đầu khi chưa điều trị. Hiện nay chưa có loại thuốc nào có thể điều trị hữu hiệu cho người hói đầu hoàn toàn.

Mời độc giả xem thêm video:

Tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi


BS.Lê Đức Thọ
Ý kiến của bạn