Hà Nội

Thuốc nào trị bệnh đau nửa đầu?

02-07-2014 17:00 | Dược
google news

SKĐS - Đau nửa đầu là chứng bệnh thường gặp, chiếm khoảng 15% số người bị chứng đau đầu. Các cơn đau tái diễn khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu.

Đau nửa đầu là chứng bệnh thường gặp, chiếm khoảng 15% số người bị chứng đau đầu. Các cơn đau tái diễn khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu. Và điều đặc biệt là hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh này mà chỉ có các loại thuốc điều trị cắt cơn đau và dự phòng cơn đau tái phát. Tuy nhiên, việc điều trị cũng cần đòi hỏi bệnh nhân kiên trì kết hợp cùng các biện pháp không dùng thuốc. Xin giới thiệu cùng độc giả sơ qua về bệnh và một số thuốc thường được sử dụng.

Những ai dễ mắc bệnh?

Yếu tố di truyền là một trong những nguy cơ cao của người mắc bệnh này. Những bệnh nhân gặp phải các yếu tố như stress kéo dài; nội tiết (đau nửa đầu tăng lên ở chu kỳ kinh nguyệt, tuổi dậy thì; tuổi tiền mãn kinh hoặc phụ nữ dùng thuốc tránh thai và có thể biến mất khi có thai rất hiếm khi gặp ở thời kỳ mãn kinh), đây chính là lý do khiến tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới. Yếu tố môi trường như khí hậu, nơi ở, nghề nghiệp, ánh sáng, tiếng ồn... cũng là nguyên nhân làm tăng bệnh đau nửa đầu. Những người có cơ địa dị ứng cũng dễ mắc bệnh này. Một số loại thuốc cũng có thể làm khởi phát cơn đau nửa đầu như thuốc giãn mạch nitroglycerin, một số thuốc nội tiết tố, đặc biệt là thuốc tránh thai. Ngoài ra còn có một số yếu tố thuận lợi khác cho sự khởi phát của Migraine như: mệt mỏi quá mức, mất ngủ triền miên, tăng huyết áp hay chấn thương sọ não.

Đau đầu kéo dài ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Đau đầu kéo dài ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Làm sao để biết cơn đau nửa đầu sắp đến?

Trước khi cơn đau nửa đầu xuất hiện, bệnh nhân thường có các biểu hiện báo hiệu gần như là quen thuộc của mình và có thể dùng các thuốc ngăn chặn không cho cơn xuất hiện. Các dấu hiệu hay gặp là rối loạn tiêu hóa (chán ăn, trướng bụng, đầy hơi hoặc đôi khi lại ăn rất ngon miệng) kèm theo với những thay đổi về khí sắc như trầm cảm, lo âu, buồn rầu, mất ngủ, bồn chồn; bệnh nhân rất dễ bị kích thích và cáu gắt vô cớ. Nếu không dùng thuốc để ngăn chặn cơn đau thì chỉ sau một vài giờ hoặc một vài ngày thì cơn đau sẽ xuất hiện kịch phát thành cơn dữ dội. Đau một bên đầu, đôi khi luân chuyển từ bên nọ lại chuyển sang bên kia. Trong cơn đau bệnh nhân có cảm giác đau nặng đầu rất khó chịu, đau theo nhịp mạch. Cơn đau thường bắt đầu nhẹ, sau đó tăng dần và thường đạt cực điểm sau khoảng nửa giờ. Sau khi đạt cực điểm, triệu chứng đau sẽ giảm dần, lan tỏa và thường kèm theo tăng cảm da đầu. Thời gian của mỗi cơn đau kéo dài trung bình từ 4-12 giờ (nếu không được điều trị).

Trong cơn đau đầu, bệnh nhân thường bị nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động mạnh, nhạy cảm với mùi vị, người bệnh rất dễ bị kích thích và cáu gắt. Thông thường, bệnh nhân phải ngủ được mới hết cơn, ngủ càng sâu thì càng nhanh hết cơn đau đầu. Sau cơn đau đầu, bệnh nhân thường thấy mệt mỏi, bồn chồn, khó tập trung tư tưởng...

Thuốc giúp cắt cơn đau nửa đầu?

Đau nửa đầu là bệnh có nguồn gốc di truyền do vậy cho đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị triệt để, cần phải phối hợp giữa điều trị cắt cơn với điều trị dự phòng cơn nhằm các mục tiêu làm giảm tần số, cường độ, thời gian và các triệu chứng kèm theo của cơn đau.

Thuốc điều trị cắt cơn đặc hiệu cổ điển là ergotamin tartrat. Đây là một ancaloid có tác dụng mạnh nhất của cựa lúa mạch có tác dụng gây co mạch, chống mất trương lực động mạch - phù hợp với cơ chế bệnh sinh của đau nửa đầu. Thuốc thường được dùng đường uống hoặc đặt dưới lưỡi liều 1 viên, nhắc lại sau 30 phút nếu không đỡ. Liều dùng không quá 3 viên/ngày và 10 viên/tuần. Tuy nhiên, vì thuốc co mạch nên không dùng được ở bệnh nhân có viêm tắc động mạch, các bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu cục bộ (như thiểu năng động mạch vành, hội chứng Rayneaud) và những người đang mang thai. Đối với những cơn Migraine nhẹ và mới, có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như aspirin, paracetamol hay một số thuốc chống viêm non steroide như alaxan, diclofenac, profenide...

Điều trị dự phòng cơn Migraine sẽ được bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân có ít nhất 2 cơn đau trong một tháng hoặc trường hợp có cơn đau dữ dội xuất hiện đột ngột kịch phát. Thuốc hay dùng là dihydroergotamine hoặc tamik. Thời gian dùng phải kéo dài ít nhất 6 tháng (có thể tới 1 năm). Ngoài ra, cần kết hợp các phương pháp điều trị kết hợp khác như thay đổi tập quán sinh hoạt, tránh các tác nhân có thể gây nên cơn, điều trị vật lý trị liệu kết hợp với tập luyện dưỡng sinh... sẽ góp phần nâng cao hiệu lực của thuốc, đôi khi có thể thay thế không cần dùng thuốc.

TS. Nguyễn Ngọc Hà


Ý kiến của bạn