Bài 2: Có hay không thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ?
Mỗi năm đến mùa thi, các thuốc “bổ não, tăng cường trí nhớ” lại được dịp “lên ngôi”. Phụ huynh và bản thân sĩ tử cùng kháo nhau và tự kê đơn một số sản phẩm hướng thần kinh...và mua về dùng. Bài viết này cung cấp cho bạn đọc thực hư loại thuốc đó là gì? Những quan điểm y học về thuốc “bổ não, tăng cường trí nhớ”.
Tiếp theo số 83
Tác dụng thực của các loại thuốc “bổ não”
Tâm lý mong chờ vào sự trợ giúp của thuốc bổ là tình trạng chung của nhiều phụ huynh có con trong giai đoạn ôn thi. Hiện nay, có nhiều loại thuốc bổ hoặc thực phẩm chức năng được coi là có tác dụng trên hệ thần kinh, giúp cho hệ thần kinh có thể đạt được sự minh mẫn và chúng được gọi là các thuốc thông minh. Sở dĩ như vậy vì người ta cho rằng chúng có tác dụng cải thiện trí nhớ, tăng khả năng nhận thức, củng cố trí thông minh, nhạy bén hóa khả năng tư duy. Dựa vào cơ chế tác dụng có thể phân những thuốc này thành các nhóm sau:
Nhóm các chất dinh dưỡng như vitamin B, omega-3, DHA: vitamin nhóm B có tác dụng làm gia tăng quá trình methyl hóa, làm tăng khả năng hoạt hóa các synap thần kinh. Các vitamin nhóm B cũng được cho là có tác dụng làm giảm nồng độ hormon cystein, một chất làm cản trở quá trình nhớ. Người ta cũng giải thích là vitamin B làm tăng khả năng dẫn truyền thần kinh do tác động vào bao Schwan nên chúng có tác dụng trên khả năng tư duy. Song đó chỉ là tác dụng trên những đối tượng bị rối loạn thần kinh nặng như viêm đa dây thần kinh, tê phù. Omega-3 là một axit béo có chủ yếu ở màng tế bào thần kinh do đó là một chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ phát triển, nhất là trẻ em.
Thuốc tăng cường trí nhớ có thực sự “bổ não” như người ta tưởng?
Các thuốc thuộc nhóm racetam như: piracetam, aniracetam, nebracetam, fasoracetam... Chúng có một số tác dụng chung là tác động lên một số chất dẫn truyền thần kinh như acetylcholin, noradrenalin, dopamin... Điều này có thể giải thích tác dụng tích cực của thuốc lên sự học tập và cải thiện khả năng thực hiện các test về trí nhớ. Thuốc có thể làm thay đổi sự dẫn truyền thần kinh và góp phần cải thiện môi trường chuyển hóa để các tế bào thần kinh hoạt động tốt. Thuốc còn có tác dụng làm tăng giải phóng dopamin và điều này có thể có tác dụng tốt lên sự hình thành trí nhớ.
Thuốc được dùng điều trị triệu chứng chóng mặt, suy giảm trí nhớ, kém tập trung hoặc thiếu tỉnh táo, thay đổi khí sắc, rối loạn hành vi, kém chú ý đến bản thân, sa sút trí tuệ do nhồi máu não nhiều ở người cao tuổi... Ở trẻ em, thuốc điều trị hỗ trợ chứng khó đọc và dùng bổ trợ trong điều trị giật rung cơ có nguồn gốc vỏ não...
Nhóm thuốc có chứa hoạt chất Gingko Biloba: là cao chiết xuất từ lá cây Ginko Biloba đã được chuẩn hóa. Thuốc có tác dụng làm tăng tuần hoàn động mạch ở các chi và đầu, bình thường hóa chứng thấm của mao mạch trong chứng phù nề tự phát, tăng lưu lượng máu đến não... Thuốc được dùng cho người mất trí nhớ ngắn hạn, thiếu nhạy bén và minh mẫn tâm thần, trầm cảm, khó khăn trong việc tập trung tư tưởng; điều trị các rối loạn chức năng cơ hữu của não, có kèm theo sự sa sút trí tuệ; điều trị trạng thái lão suy (kể cả bệnh Alzheimer). Các tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp như rối loạn tiêu hóa, ban da, nhức đầu...
Nhóm các thuốc được coi là cải thiện trí nhớ, nhất là ở những người bị bệnh sa sút trí tuệ, mất trí nhớ nghiêm trọng. Những thuốc này đều có chung một mục đích là làm tăng nồng độ acetylcholin, chất trung gian dẫn truyền ở não bộ. Nhưng mỗi một loại thuốc lại có cách thực hiện không giống nhau. Ví dụ như cholin là tiền thân của acetylcholin, acetylcarnitine lại là thuốc cộng hưởng đồng tác dụng, galantamine lại ức chế men phân hủy acetylcholin trên thần kinh nên gián tiếp làm tăng nồng độ chất trung gian hóa học này. Các thuốc trên đều là các thuốc được chỉ định điều trị ở bệnh nhân Alzheimer. Các tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn, sụt cân, đau bụng, khó tiêu. Ngoài ra, thuốc có thể gây nhịp tim chậm, hạ huyết áp tư thế, viêm dạ dày - ruột, chảy máu tiêu hóa, khó nuốt, tăng tiết nước bọt, trầm cảm, mất ngủ, ban đỏ...
Nhóm thuốc có chứa vinpocetin: là một hợp chất có cách tác động phức hợp ảnh hưởng thuận lợi lên chuyển hóa não và tuần hoàn máu. Thuốc có tác dụng bảo vệ thần kinh, kích thích chuyển hóa não, làm tăng vi tuần hoàn não... Thuốc có thể làm giảm những dấu hiệu về tâm thần và thần kinh của các rối loạn mạch não khác nhau như rối loạn trí nhớ, mất ngôn ngữ, loạn vận động, choáng váng, nhức đầu...
Các tác dụng phụ của thuốc như hạ huyết áp tạm thời, rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, choáng váng, yếu mệt có thể xảy ra. Trên đường tiêu hóa có thể gặp các triệu chứng như ợ nóng, đau bụng, buồn nôn hoặc những phản ứng dị ứng ngoài da...
Nhóm chất kích thích thần kinh: như atomoxetine, reboxetine, synephrine, arecoline, nicotine, caphein, adrafinil, armodafinil, modafinil... Những thuốc này có tác dụng làm tăng nồng độ các chất trung gian thần kinh, làm cường chức năng các thụ cảm thể alpha trung ương, do đó là tăng khả năng tỉnh táo và giúp chúng ta học tốt hơn. Những thuốc này không trực tiếp tác động vào hoạt động tư duy mà chỉ tạo điều kiện cho hoạt động ấy diễn ra tốt hơn mà thôi.
Mời xem tiếp Bài 3: Lạm dụng thuốc bổ não - Nguyên hiểm rình rập, trên số 87 ra ngày 1/6/2015.
DS. Thanh Hoài