Bài 1: Thuốc bổ thể trạng cũng là dao hai lưỡi
Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đang bước vào những ngày học tập căng thẳng để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp và vào đại học. Đi kèm với đó là nỗi lo lắng của phụ huynh về việc làm sao cho con có đủ sức khỏe để học và thi tốt, có trí nhớ tốt, tinh thần tỉnh táo mà vượt vũ môn. Vì vậy, không ít người đã tìm mua các loại thuốc bổ cho con dùng mà không biết rằng việc dùng thuốc bổ không đúng cách sẽ gây nguy hại cho con mình. Loạt bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết: có nên dùng thuốc bổ tăng cường thể lực, thuốc bổ não tăng cường trí nhớ cho con và những nguy hiểm khi dùng thuốc bổ tùy tiện.
Trong những ngày ôn thi, học sinh phải học đến hơn 10 giờ mỗi ngày. Những giờ học liên miên khiến tâm trạng mệt mỏi, lúc nào cũng buồn ngủ là điều thường thấy ở học sinh. Loại thuốc bổ mà phụ huynh muốn cho con mình tẩm bổ là các loại thuốc có thành phần là các vitamin, chất khoáng, axit amin... Có thể định nghĩa thuốc bổ là thuốc bồi dưỡng cơ thể, giảm mệt mỏi, tăng cường sức khỏe, giúp ăn được, ngủ được, hỗ trợ quá trình trị liệu... Trên thị trường có nhiều loại thuốc bổ tổng hợp, nhưng tựu trung có thể phân chia thành những loại sau:
Thuốc đa vitamin: trong thành phần của thuốc có rất nhiều vitamin thiết yếu như các vitamin nhóm B, vitamin C, D, E, PP. Thuốc bổ vitamin thường được nhiều người sử dụng để tăng cường sức lực, chống mệt mỏi, bồi bổ cơ thể sau khi ốm... Trong nhóm này có thuốc viên 3B là sự phối hợp của vitamin B1, B6 và B12 trong 1 viên với hàm lượng trong mỗi viên gấp hàng chục, hàng trăm lần nhu cầu bình thường hằng ngày, có tác dụng để phòng đau nhức thần kinh, cơ bắp và suy dinh dưỡng... có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể, chống chảy máu chân răng, chống lão hóa, giảm dị ứng, nhiễm trùng.
Thuốc đa khoáng chất: đây là loại thuốc ngoài các vitamin thiết yếu còn được bổ sung các khoáng chất như canxi, sắt, magiê, iod...
Thuốc chứa acid amin: có khoảng 20 acid amin rất cần cho cơ thể. Do tình trạng ăn uống thiếu cân bằng nên cơ thể hầu hết thiếu hụt các acid amin. Việc dùng các thuốc có bổ sung các acid amin là cần thiết nhưng chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Có nhất thiết phải cho con dùng thuốc bổ?
Vitamin và khoáng chất thuộc các chất dinh dưỡng không do cơ thể tổng hợp hoặc tổng hợp không đầy đủ, cần cung cấp từ thực phẩm. Nếu hàng ngày ăn uống đủ chất, đa dạng nhiều loại thức ăn bổ dưỡng thì không sợ thiếu vitamin. Một số trường hợp cần phải bổ sung vitamin và chất khoáng như: người mới khỏi bệnh, người suy nhược do làm việc quá mức, trẻ em đang lớn và phát triển chậm, phụ nữ có thai và cho con bú... Vitamin và chất khoáng hoàn toàn không thay thế được thực phẩm, ta vẫn phải ăn uống đầy đủ chất bên cạnh dùng thuốc. Vì vậy, thay vì mua thuốc cho con nên mua thức ăn bổ dưỡng, đặc biệt tăng cường trái cây, rau quả (được xem là nguồn vitamin thiên nhiên rất tốt).
Chỉ nên dùng thuốc bổ khi chế độ ăn hằng ngày không cung cấp đủ hoặc thiên lệch (ví dụ không ăn rau hoặc ăn quá ít, dùng nhiều thức ăn nhanh như mì gói, bánh kẹo, khoai tây chiên...). Khi chế độ ăn hàng ngày đã đầy đủ dưỡng chất và người vẫn khỏe mạnh thì việc bổ sung vitamin và khoáng chất là không cần thiết. Đặc biệt, có người còn mua nhiều loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng cho con uống đồng thời mà không biết trong mỗi thuốc đó có chứa những thành phần gì. Việc làm này rất nguy hiểm vì thuốc bổ chỉ bổ khi được dùng đúng liều, đúng đối tượng. Dùng thuốc bổ sai cách sẽ làm vô hiệu hoá tác dụng của thuốc và có nguy cơ ngộ độc, nguy hiểm cho cơ thể.
Học sinh cần được tăng cường dinh dưỡng đầy đủ khi ôn thi, thay vì việc dùng nhiều loại thuốc. (Ảnh minh họa)
Nguy hại do dùng thuốc bổ không đúng cách
Bất cứ thuốc nào, kể cả thuốc bổ đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nếu dùng không đúng cách, đúng liều. Sử dụng thuốc bổ tổng hợp quá liều hoặc dùng dài ngày sẽ dẫn đến những tác hại. Chẳng hạn, thừa vitamin D sẽ gây tăng canxi máu, gây canxi hóa mô mềm, xương hóa sụn sớm, suy thận. Thừa vitamin A sẽ gây nhức đầu, tăng áp lực nội sọ, viêm da... Dùng quá liều vitamin C có thể viêm loét dạ dày, ruột, gây tiêu chảy, sỏi thận vì nó tạo ra chất muối khoáng không hòa tan... Vitamin A và D nếu dùng liều quá cao (hàng triệu đơn vị) có thể gây ngộ độc cấp tính. Những vitamin tan trong dầu mỡ như A, D, E, K có thể gây ngộ độc vì khi sử dụng liều cao chúng sẽ thải không kịp, dễ tích lũy ở gan gây hại.
Một vài nghiên cứu về lợi ích của thuốc bổ trên hàng ngàn bệnh nhân kéo dài suốt 10 năm đã cho thấy, thuốc bổ, thực phẩm chức năng không thực sự đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thậm chí, một số người còn có nguy cơ mắc ung thư cao hơn khi dùng nhiều vitamin tổng hợp trong thời gian dài. Hơn nữa, nếu dùng một số thuốc bổ vượt quá 20% lượng cần thiết sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Hiện nay có nhiều người cho rằng, thuốc bổ, vitamin tổng hợp được chiết xuất 100% từ thiên nhiên thì an toàn. Quan niêm đó là sai lầm. Mặc dù thuốc chiết xuất 100% từ thiên nhiên thì trong quá trình sản xuất, ít nhiều người ta cũng sử dụng hóa chất để tạo ra biệt dược. Như vậy, dùng thuốc vô tội vạ sẽ tăng áp lực làm việc cho gan, từ đó gây hại cho gan.
Thuốc là con dao hai lưỡi, cho dù là thuốc bổ. Vì thế, chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và có sự hiểu biết tối thiểu về cách dùng, tốt nhất nên dùng theo chỉ định của bác sĩ. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngừng ngay thuốc, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Mời xem tiếp Bài 2:
Có hay không thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ?, trên số 84 ra ngày 27/5/2015
DS. Thanh hoài