Thuốc nào giúp kiểm soát nhiễm trùng sau cấy ghép tim?

10-01-2023 06:10 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các thiết bị điện tử cấy ghép tim mạch (CIED), chẳng hạn như máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim... ngày càng trở nên quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tim. Tuy nhiên nguy cơ nhiễm trùng với các thiết bị này có thể đe dọa đến tính mạng.

Nguy cơ từ nhiễm trùng thiết bị điện tử cấy ghép tim mạch

Nhiễm trùng CIED là một vấn đề ngày càng gia tăng, do tỷ lệ cấy ghép, thời gian dùng các thiết bị này tăng. Nhiễm trùng CIED có thể liên quan đến dây dẫn trên thiết bị, dẫn đến viêm nội tâm mạc. Việc lây nhiễm từ máu sang CIED cũng là một vấn đề cần quan tâm. Khi bị nhiễm trùng CIED sẽ có nhiều thách thức điều trị, do đó việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng.

Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng CIED bao gồm: Tuổi trẻ hơn, giới tính nam, mắc các bệnh (tăng huyết áp, suy tim sung huyết, đái tháo đường, bệnh thận giai đoạn cuối - ESRD), nhiễm trùng thiết bị trước đó và sốt trước khi làm thủ thuật.

Kiểm soát nhiễm trùng cho bệnh nhân sử dụng thiết bị điện tử cấy ghép tim mạch - Ảnh 1.

Bệnh nhân cần phẫu thuật sử dụng thiết bị điện tử cấy ghép tim mạch có nguy cơ nhiễm trùng cao.

Trong số các trường hợp được báo cáo về nhiễm trùng CIED, các loài tụ cầu chiếm phần lớn. Trong đó tụ cầu khuẩn Coagulase âm tính và tụ cầu vàng nhạy cảm với methicillin có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất. Nhiễm trùng đa vi khuẩn là mối lo ngại lớn, tùy thuộc vào thời gian kể từ khi phẫu thuật. Một yếu tố nguy cơ nhiễm trùng khác, đó là tụ máu sau phẫu thuật.

Biện pháp dự phòng và điều trị nhiễm trùng CIED

Trước khi tiến hành cấy ghép, bệnh nhân cần được đánh giá để đảm bảo không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng lâm sàng nào. Bác sĩ sẽ lựa chọn và liều lượng kháng sinh trước phẫu thuật thích hợp , dùng thuốc chống đông phù hợp trước và sau phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng tụ máu do nhiễm trùng CIED.

Đặc biệt lưu ý với bệnh nhân thuyên tắc hệ thống, hở van 3 lá, chức năng thất phải bất thường và chức năng thận bất thường có nguy cơ tử vong cao hơn. Sát trùng vị trí phẫu thuật và đảm bảo kỹ thuật vô trùng trong suốt quy trình.

Việc chẩn đoán nhiễm trùng CIED có thể khó khăn do bệnh nhân có các triệu chứng không đặc hiệu. Triệu chứng có thể bắt đầu từ các thay đổi viêm tại da - nơi bắt đầu đặt thiết bị. 

Ngoài ra bệnh nhân kèm theo đau hoặc khó chịu, mệt mỏi hoặc chán ăn. Triệu chứng toàn thân như sốt có thể gặp hoặc không.

Về điều trị, cefazolin - một kháng sinh nhóm cephalosporin được ưu tiên để dự phòng ở hầu hết bệnh nhân. Các thuốc thay thế khác như vancomycin, có thể được dùng khi có tỷ tình trạng cầu vàng kháng methicillin (MRSA) cao. Liều sử dụng phụ thuộc vào cân nặng của bệnh nhân.

Điều trị nghi ngờ nhiễm CIED cần cấy máu trước khi bắt đầu liệu pháp kháng sinh rộng rãi. Tất cả bệnh nhân nghi ngờ nhiễm CIED, nên được siêu âm tim qua thực quản để đánh giá nhiễm trùng trên van tim hoặc bất kỳ dây dẫn nào trên thiết bị trợ tim. Nếu không có sự tham gia của thiết bị và nhiễm trùng bề mặt hoặc vết rạch tại vị trí đặt túi, thì có thể không cần phải tháo thiết bị. Trường hợp bị nhiễm CIED có thể cần loại bỏ hoàn toàn thiết bị càng sớm càng tốt.

Trước khi xác định được chủng vi khuẩn, vancomycin là kháng sinh nên được ưu tiên sử dụng theo kinh nghiệm cho đến khi xác định được vi khuẩn. Sau khi xác định mầm bệnh, có thể chuyển sang các thuốc hẹp hơn dựa trên độ nhạy của vi khuẩn.

Thời gian điều trị tùy thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn huyết, van hoặc dây dẫn có bị nhiễm trùng hay không. Đối với bệnh nhân chỉ bị nhiễm trùng bề mặt và cấy máu âm tính, điều trị trong 7-14 ngày. Nếu van bị nhiễm trùng, cần điều trị bằng kháng sinh trong 4-6 tuần.

Đối với những bệnh nhân bị nhiễm trùng CIED sâu không thể tháo thiết bị, cần phải xem xét liệu pháp kháng sinh ức chế lâu dài sau khi điều trị dứt điểm hoàn tất.

Sau khi nhiễm trùng được điều trị, việc cấy CIED mới sau khi cấy máu vẫn âm tính trong 72 giờ có thể được thực hiện.

Mời độc giả xem thêm video:

5 thực phẩm hủy hoại vòng 1 của chị em khủng khiếp


Đức Anh
Ý kiến của bạn