Viêm xương khớp là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật và giảm chất lượng cuộc sống của người mắc. Ngoài phẫu thuật thay khớp, hiện không có phương pháp nào "chữa khỏi" cho bệnh viêm khớp và hầu hết các phương pháp điều trị đều tập trung vào việc giảm các triệu chứng như đau.
Vì vậy, mục tiêu của điều trị là kiểm soát cơn đau tối ưu và bảo tồn chức năng của khớp, từ đó phá vỡ vòng luẩn quẩn đau đớn, mất vận động, dẫn đến tàn tật. Để đạt được mục tiêu này, các phương pháp điều trị như không dùng thuốc, dùng thuốc và nếu cần thiết điều trị bằng phẫu thuật...
1. Các thuốc giảm đau viêm xương khớp
Giảm đau ở bệnh nhân đau nhức xương khớp cần được điều trị thích hợp. Thuốc giảm đau hoặc/và thuốc chống viêm là một phần thiết yếu và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên việc kê đơn thuốc giảm đau cần phải được đánh giá cẩn thận trên từng người bệnh, các loại thuốc dùng đồng thời và bệnh lý đi kèm... để tránh các tương tác bất lợi.
-Paracetamol: Paracetamol là thuốc khuyến nghị đầu tiên cho đau liên quan đến viêm khớp từ nhẹ đến trung bình vì tính an toàn và hiệu quả. Thuốc thường được dung nạp tốt, mặc dù một số người có thể bị dị ứng thuốc và quá liều có thể gây hại cho gan. Vì vậy, điều cần lưu ý là phải dùng thuốc đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất ghi trong hướng dẫn sử dụng thuốc.
-NSAID (thuốc chống viêm không steroid): Các thuốc NSAID làm giảm viêm, sưng khớp và cứng khớp. Thông thường, NSAID chỉ được sử dụng sau khi đã dùng paracetamol mà không hiệu quả.
Các hướng dẫn khuyến nghị nếu sử dụng paracetamol không mang lại tác dụng giảm đau, NSAID nên được dùng ở liều thấp nhất có hiệu quả để tránh hoặc giảm tác dụng phụ. Các tác dụng phụ có thể xảy ra liên quan đến NSAID bao gồm đau dạ dày, loét dạ dày, các vấn đề về tim mạch (bao gồm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, huyết áp cao và suy tim), các vấn đề về thận và tổn thương gan.
NSAID không được khuyến cáo cho những người bị loét dạ dày, khó tiêu hoặc các vấn đề về dạ dày khác hoặc những người có tiền sử đau thắt ngực, đau tim hoặc đột quỵ. Nên sử dụng thuốc thận trọng ở những người mắc bệnh hen suyễn, người già (trên 75 tuổi) và những người đang mắc các bệnh lý khác vì thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng thận hoặc tương tác với các loại thuốc khác.
Các NSAID phổ biến bao gồm ibuprofen, diclofenac, naproxen…
- Thuốc giảm đau opioid: Opioid được sử dụng cho những cơn đau nghiêm trọng hoặc mãn tính, bao gồm các loại thuốc như codeine, tramadol, morphine và pethidine.
Opioid hoạt động bằng cách gắn vào các protein cụ thể và ngăn chặn các thông điệp đau đến não. Các tác dụng phụ bao gồm táo bón, buồn nôn, nôn và buồn ngủ. Thuốc có thể gây nghiện và lệ thuộc vì vậy thuốc cần được sử dụng dưới sự giám sát của chuyên gia y tế.
Các phương pháp điều trị dược lý khác bao gồm thuốc tác dụng chậm điều trị viêm khớp, bao gồm glucosamine sulphate, chondroitin sulphate, diacerhein và tiêm glucocorticoid trong khớp...
2. Lưu ý khi sử dụng thuốc
- Luôn đọc nhãn và dùng thuốc theo chỉ dẫn.
- Cần tìm hiểu những tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả liều lượng và phản ứng dị ứng nếu có.
- Cẩn thận khi dùng các loại thuốc không kê đơn, kể cả thảo dược và thuốc bổ sung, vì một số loại có thể gây ra vấn đề nếu dùng cùng nhau.
- Không chia sẻ đơn thuốc hoặc dùng theo đơn thuốc của người khác.
- Nếu có dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị.
3. Tập thể dục cũng là liều thuốc giảm đau hiệu quả cho người bệnh viêm xương khớp
Tập thể dục có thể giảm đau hiệu quả như sử dụng thuốc trong việc kiểm soát sớm bệnh viêm xương khớp. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tập thể dục cũng có tác dụng chống viêm. Các tác dụng có lợi bao gồm: Cơ bắp khỏe hơn để bảo vệ khớp, giảm mệt mỏi, giảm trầm cảm, tăng mật độ xương...
Những bài tập lý tưởng nhất bao gồm các hoạt động cường độ thấp như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội, giúp ích cho sức khỏe tim phổi và sức bền thể chất. Các bài tập chuyển động như yoga hoặc thái cực quyền cũng rất hữu ích trong việc duy trì sự linh hoạt và xây dựng khối lượng cơ bắp, đồng thời quan trọng nhất là tăng cường cơ bắp hỗ trợ các khớp bị viêm.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
6 thói quen sau ăn hại dạ dày ghê gớm, người Việt hay mắc phải.