Mai Thị Hảo (Nam Định)
Con của bạn đã được xác định là bệnh TCM thì chúng tôi xin được giải thích thêm cho bạn về bệnh này, để từ đó bạn có thể yên tâm theo dõi cho bé tại nhà. Triệu chứng của TCM thường bắt đầu với cơn sốt, thường dưới 39oC. 1-2 ngày sau khi sốt sẽ xuất hiện các đốm nhỏ màu đỏ, ở trong niêm mạc của miệng. Các nốt có thể vỡ ra gây loét và đau. Bệnh TCM có thể xuất hiện ở đầu gối, khuỷu tay, mông và cả khu vực sinh dục.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bệnh TCM sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Nhưng trong quá trình bị bệnh, có thể làm dịu các triệu chứng bằng thuốc giảm đau hạ sốt acetaminophen hoặc ibuprofen (thuốc này cần tư vấn của bác sĩ trước khi dùng cho trẻ). Nếu trẻ bị ngứa, có thể dùng thuốc kháng histamin dạng uống hoặc kem bôi (bạn có thể tham khảo ý kiến của dược sĩ tại nhà thuốc). Kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng điều trị trong bệnh TCM (trừ khi có bội nhiễm ở các vết loét), nên bạn không được tự ý cho trẻ uống kháng sinh.
Rửa tay bằng xà phòng giúp phòng ngừa bệnh TCM.
Khi xuất hiện vết loét, trẻ sẽ đau nên khó khăn trong ăn uống. Nên cho trẻ ăn thức ăn mềm hoặc sữa chua để làm dịu các cơn đau. Bổ sung nước hoặc nước hoa quả cho trẻ để tránh tình trạng mất nước. Tránh các loại nước ép cam quýt, chanh và thức ăn cay, mặn.
Phòng ngừa lây lan bệnh TCM bằng cách rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và thay tã cho bé. Làm sạch nhà cửa và vệ sinh các đồ vật bé hay chạm vào, vệ sinh đồ chơi của trẻ em. Hạn chế tiếp xúc hoặc dùng chung vật dụng sinh hoạt với người bệnh. Cắt móng tay hoặc mang bao tay cho bé để hạn chế trường hợp bé cào và gãi.
Nếu bé có một trong các triệu chứng sau thì đưa ngay trẻ đến bệnh viện: trẻ giật mình (khi ngủ); sốt cao liên tục trên 39oC; rùng mình khi thức; co giật; có dấu hiệu mất nước (tiểu ít, khô miệng…); trẻ lừ đừ, mệt mỏi, bứt rứt khó chịu…