Thuốc nào dùng trong điều trị gãy xương?

11-10-2024 15:31 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Gãy xương là tình trạng y khoa bất ngờ có thể xảy ra với bất kỳ ai vào bất kỳ lúc nào. Gãy xương gây đau cho đến những chấn thương nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng nếu không được sơ cứu, chăm sóc y tế kịp thời.

1. Biểu hiện thế nào được coi là gãy xương

Gãy xương là tình trạng xương bị đứt hoặc nứt do tác động lực từ bên ngoài. Đây là một chấn thương phổ biến, có thể xảy ra trong nhiều tình huống, từ tai nạn thể thao, tai nạn giao thông đến ngã hoặc va chạm mạnh.

Có nhiều loại gãy xương khác nhau. Một số loại nghiêm trọng hơn tùy thuộc vào cường độ, hướng của lực, loại xương cụ thể bị ảnh hưởng, độ tuổi và sức khỏe chung của người đó. 

Các vị trí gãy xương phổ biến bao gồm: Cổ tay, mắt cá chân, hông – gãy xương hông thường xảy ra ở người lớn tuổi.

Trong hầu hết các trường hợp, gãy xương sẽ lành trong vòng 6 đến 8 tuần. Khung thời gian này sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại gãy xương kết hợp với tuổi tác và các tình trạng bệnh lý khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của xương, như loãng xương. Gãy xương nghiêm trọng hơn có thể mất 3 tháng hoặc lâu hơn.

Điều đáng lo ngại về gãy xương là độ sắc của đầu xương gãy có thể gây tổn thương cho cơ, dây thần kinh, mạch máu gần đó, dẫn đến chấn thương gia tăng. Ví dụ, xương sườn bị gãy có thể đâm thủng phổi. Nếu mạch máu bị tổn thương, không thể cung cấp máu cho các cơ quan ngoại vi, dẫn đến tổn thương nội tạng nếu không được điều trị kịp thời.

Thuốc nào dùng trong điều trị gãy xương?- Ảnh 1.

Gãy xương cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng.

Vì vậy gãy xương là một chấn thương cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng, đảm bảo quá trình hồi phục tốt nhất. Nếu nghi ngờ có gãy xương, bệnh nhân nên được điều trị y tế ngay lập tức.

2. Các phương pháp điều trị gãy xương

Mục tiêu của điều trị là đưa các mảnh xương trở lại đúng vị trí, kiểm soát cơn đau, nhanh lành, ngăn ngừa biến chứng và phục hồi chức năng bình thường của vùng bị gãy.

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

- Nẹp hoặc bó bột để giữ xương thẳng hàng, bảo vệ vùng bị thương không bị di chuyển hoặc sử dụng trong khi xương lành lại.

- Thuốc kiểm soát cơn đau.

- Lực kéo: Sử dụng lực kéo đều đặn để kéo căng các bộ phận của cơ thể theo một hướng nhất định, giúp các đầu xương thẳng hàng, lành lại.

- Phẫu thuật, nếu cần thiết để đưa một số loại xương gãy trở lại đúng vị trí.

- Phục hồi chức năng: Khi xương đã hồi phục, bác sĩ có thể khuyến nghị vật lý trị liệu để khôi phục sức mạnh, linh hoạt, đảm bảo chức năng của khu vực bị gãy.

3. Thuốc nào dùng trong trường hợp bị gãy xương?

Việc điều trị gãy xương không chỉ tập trung vào việc hồi phục cấu trúc xương mà còn bao gồm giảm đau, phòng ngừa biến chứng. Dưới đây là các nhóm thuốc có thể được sử dụng trong khi điều trị gãy xương:

3.1 Thuốc giảm đau

- Paracetamol: Có tác dụng giảm đau, hạ sốt thông qua tác động lên hệ thống thần kinh trung ương.

Tác dụng phụ: An toàn khi dùng đúng liều, nhưng quá liều có thể gây tổn thương gan.

- NSAIDs (Thuốc chống viêm không steroid): Các thuốc trong nhóm thường dùng như ibuprofen, diclofenac, naproxen...

+ Cơ chế hoạt động: Giảm đau, chống viêm, hạ sốt bằng cách ức chế enzyme COX, giảm sản xuất prostaglandin.

+ Tác dụng phụ: Có thể gây đau dạ dày, loét dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng thận, có thể làm tăng nguy cơ tim mạch.

3.2 Thuốc hỗ trợ hồi phục xương

Canxi và Vitamin DCanxi cần thiết cho sự hình thành xương, trong khi vitamin D giúp tăng cường hấp thụ canxi.

Tác dụng phụ: Dùng quá liều có thể dẫn đến thừa canxi (hypercalcemia), ảnh hưởng đến chức năng thận... 

Bisphosphonates: Các thuốc như alendronate, risedronate...có tác dụng giảm tình trạng tiêu xương, giúp tăng cường mật độ xương, hỗ trợ lành xương.

Tác dụng phụ: Có thể gây kích ứng thực quản, đau cơ xương, hiếm khi dẫn đến viêm xương hàm.

- Thuốc chống loãng xương: Các thuốc thường dùng như raloxifene, denosumab. Raloxifene là một chất điều hòa estrogen, trong khi denosumab là một kháng thể đơn dòng giúp giảm tiêu xương.

 Tác dụng phụ: Có thể gây đau xương, viêm, các phản ứng dị ứng.

3.3 Thuốc kháng sinh

- Chỉ định: Sử dụng trong trường hợp gãy xương hở hoặc có nguy cơ nhiễm trùng. Ví dụ: Cefazolin, amoxicillin.

- Cơ chế hoạt động: Tiêu diệt vi khuẩn hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng.

- Tác dụng phụ: Có thể gây phản ứng dị ứng, tiêu chảy, hoặc tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Thuốc nào dùng trong điều trị gãy xương?- Ảnh 2.

Vật lý trị liệu để khôi phục sức mạnh, linh hoạt và chức năng của khu vực xương bị gãy.

4. Chế độ dinh dưỡng và bổ sung

Để đẩy nhanh quá trình chữa lành, hãy cân nhắc những điều sau:

- Chế độ ăn: Ăn chế độ ăn giàu canxi và protein, cần thiết cho quá trình lành xương, phục hồi cơ. Bổ sung đủ vitamin D bằng cách dành thời gian ở ngoài trời trong những giờ nhất định hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung trong trường hợp thiếu hụt.

- Tuân thủ điều trị y khoa được khuyến cáo.

- Vật lý trị liệu sau phẫu thuật: Thực hiện các bài tập chịu trọng lượng, vận động theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có thể tăng cường quá trình chữa lành.

- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc, bao gồm cả thuốc lá điện tử, có thể cản trở quá trình lành xương bằng cách ức chế sản xuất khối lượng xương. Bệnh nhân bị gãy xương hoặc loãng xương nên bỏ thuốc lá để đẩy nhanh quá trình lành xương.

Tóm lại, gãy xương có thể gây ra hậu quả đáng kể, nhưng hành động kịp thời, điều trị thích hợp và các biện pháp tự chăm sóc có thể giúp phục hồi nhanh hơn và hạn chế biến chứng.

Tập vận động tăng cường chức năng sau gãy xương cổ tayTập vận động tăng cường chức năng sau gãy xương cổ tay

SKĐS - Gãy xương cổ tay là một chấn thương thường gặp ở mọi lứa tuổi. Sau khi được điều trị ổn định xương, điều quan trọng là phải vận động bàn tay và các ngón tay, để giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Gãy xương ảnh hưởng như thế nào đến chức năng vận động? | SKĐS


DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn