1. Biến chứng nguy hiểm khi bị hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu là tình trạng không thể kéo bao quy đầu xuống khỏi quy đầu dương vật. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hẹp bao quy đầu có thể tự hết theo thời gian khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, một số trường hợp hẹp bao quy đầu có thể gây ra các biến chứng, khiến việc can thiệp y tế trở nên cần thiết.
Trẻ bị hẹp bao quy đầu thường không có triệu chứng rõ rệt nếu là hẹp sinh lý. Tuy nhiên, đối với hẹp bệnh lý, có thể xuất hiện các triệu chứng: Đau/khó chịu khi đi tiểu, sưng đỏ tại đầu dương vật, khó khăn trong việc kéo bao quy đầu (ở trẻ lớn), viêm nhiễm lặp đi lặp lại ở vùng quy đầu hoặc bao quy đầu, tích tụ chất bã sinh dục dưới bao quy đầu.
Nếu không điều trị kịp thời, hẹp bao quy đầu có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm:
- Viêm quy đầu và bao quy đầu: Vi khuẩn và chất bã sinh dục có thể gây viêm nhiễm nếu không vệ sinh sạch sẽ.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Hẹp bao quy đầu làm tích tụ vi khuẩn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Paraphimosis: Là tình trạng khi bao quy đầu không thể kéo lại sau khi đã bị tuột xuống, gây sưng đau và cản trở lưu thông máu đến quy đầu.
- Tăng nguy cơ ung thư dương vật: Mặc dù hiếm gặp, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hẹp bao quy đầu có thể liên quan đến nguy cơ ung thư dương vật khi trưởng thành.
2. Các phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu
Tùy thuộc vào mức độ hẹp bao quy đầu và triệu chứng của trẻ, phương pháp điều trị có thể bao gồm điều trị bảo tồn bằng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa.
Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến:
2. 1. Điều trị bằng thuốc hẹp bao quy đầu
Thuốc mỡ steroid là phương pháp điều trị bảo tồn hiệu quả cho hẹp bao quy đầu nhẹ đến trung bình. Thuốc mỡ steroid có thể giúp làm mềm và giãn bao quy đầu, giúp kéo bao quy đầu xuống dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ, để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong điều trị.
Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Betamethasone 0.05% (diprosone, betnovate): Thuốc giúp làm mềm và giãn bao quy đầu, giúp kéo bao quy đầu xuống dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây kích ứng nhẹ, ngứa hoặc làm da mỏng khi dùng lâu dài.
- Triamcinolone acetonide 0.1% (kenalog): Thuốc giúp giảm viêm, tăng khả năng giãn bao quy đầu... nhưng có thể gây kích ứng da, đỏ hoặc rát.
2.2. Các phương pháp điều trị khác
Trong những trường hợp nặng hơn, phẫu thuật cắt bao quy đầu có thể là lựa chọn tốt nhất.
- Kéo giãn bao quy đầu không phẫu thuật: Kéo giãn nhẹ nhàng bao quy đầu tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Phương pháp này có thể cải thiện dần tình trạng hẹp bao quy đầu sinh lý, nhưng cần kiên trì.
- Phẫu thuật cắt bao quy đầu: Loại bỏ hoàn toàn bao quy đầu thông qua phẫu thuật. Phương pháp này có ưu điểm là trị dứt điểm hẹp bao quy đầu và ngăn ngừa tái phát... nhưng nhược điểm là gây đau và khó chịu sau phẫu thuật, cần thời gian hồi phục.
3. Lưu ý khi điều trị hẹp bao quy đầu
3.1. Lưu ý khi dùng thuốc
Điều trị bằng thuốc mỡ steroid có thể hiệu quả, nhưng phải được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
- Theo dõi phản ứng của trẻ: Cha mẹ cần theo dõi kỹ sau khi dùng thuốc, đặc biệt nếu có dấu hiệu bất thường như sưng đỏ, ngứa hoặc rát da.
- Thời gian điều trị: Thông thường, việc dùng thuốc kéo dài khoảng 4-6 tuần. Nếu không cải thiện, nên chuyển sang phương pháp điều trị khác.
- Chống chỉ định: Không dùng thuốc mỡ steroid cho trẻ bị dị ứng với corticosteroid hoặc nhiễm trùng bao quy đầu.
3.2. Lưu ý khi phẫu thuật
- Chống chỉ định: Không phẫu thuật khi trẻ đang bị nhiễm trùng.
- Chăm sóc sau phẫu thuật: Vệ sinh vùng phẫu thuật cẩn thận, theo dõi và cho trẻ dùng thuốc giảm đau, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ cần lưu ý theo dõi tình trạng của trẻ và tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần thiết.