Thuốc nào dùng trị dị ứng thức ăn?

20-05-2020 16:51 | Thông tin dược học

SKĐS - Dị ứng thức ăn là hiện tượng xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với một loại protein đặc biệt có trong thành phần thức ăn. Vậy khi bị dị ứng thức ăn cần dùng thuốc nào?

Khi bị dị ứng thức ăn, cho dù chỉ là một lượng nhỏ thức ăn cũng khiến cơ thể có phản ứng với các biểu hiện như: Nổi mề đay, ngứa ran hoặc ngứa trong miệng; chóng mặt, đau đầu hoặc ngất xỉu; thở khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở; đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hay nôn mửa; có biểu hiện sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Một số thực phẩm dễ gây dị ứng

Hải sản: Hải sản là nhóm thực phẩm khiến nhiều người gặp phải tình trạng dị ứng mẫn cảm nhất. Người bị dị ứng với thực phẩm cần cảnh giác với các loại thực phẩm như: Tôm, các loại cá, cua, ghẹ, mực… Khi bị dị ứng hải sản không chỉ biểu hiện nổi mề đay ngứa ra bên ngoài cơ thể mà chúng còn gây dị ứng bên trong đường tiêu hóa, gây phản ứng toàn thân có thể gây sốc phản vệ và vô cùng nguy hiểm.

Lạc và một số loại hạt: Các ptotein dự trữ có trong củ lạc là thủ phạm có thể gây dị ứng. Vicilin và albumin là hai protein gây dị ứng mạnh nhất và vẫn bền vững ở nhiệt độ cao. Dị ứng lạc (đậu phộng) được coi là dị ứng đe dọa đến mạng sống vì tỷ lệ quá mẫn cao. Thực phẩm chứa lạc thường thấy như kẹo lạc, bơ lạc. Ngoài ra, một số loại hạt như óc chó, hạnh nhân… cũng có thể gây dị ứng. Các loại hạt này có thể có mặt trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo…

Trứng: Trứng là loại thực phẩm dễ gây dị ứng đặc biệt với trẻ em. Có thể dị ứng với lòng trắng trứng hoặc lòng đỏ trứng hoặc cả hai. Nhiều loại thực phẩm chế biến có chứa trứng như sốt mayone…

Ngoài ra, yếu tố gây dị ứng trong thức ăn còn có thể là các chất màu, chất bảo quản, chất phụ gia trong quá trình chế biến.

Làm gì khi bị dị ứng thức ăn?

Sở dĩ thức ăn gây dị ứng là do hoặc bản thân thức ăn chứa nhiều histamin hoặc khi vào cơ thể qua chuyển hóa thức ăn làm sản sinh ra nhiều histamin và một số chất gọi là chất hóa học trung gian (serotomin, axeticolin...) có tác dụng làm giãn mao mạch, thoát huyết tương và một số tế bào trắng thoát ra đọng lại gây phù nề tại chỗ, ở một vùng hoặc rải rác khắp cơ thể.

Vì vậy, đối với người đã từng bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó, cần tránh ăn lại thức ăn đó và thận trọng với những thức ăn dễ gây dị ứng.

Để điều trị dị ứng thức ăn, trong các trường hợp nhẹ đến vừa có thể dùng các thuốc kháng histamin H1 như:  Phenergan, chlopheniramin, loratidin… ;bôi các thuốc dịu da, chống ngứa để tránh gãi, vì gãi sẽ làm tăng ngứa, tăng sẩn nề... Trong trường hợp nặng hơn có thể phải kết hợp với các thuốc corticoid uống hoặc tiêm truyền (cần nhập viện điều trị).

Khi dùng thuốc cần lưu ý, các thuốc kháng histamin H1 có thể gây buồn ngủ. Do đó, khi dùng thuốc nên nằm nghỉ, không nên đi lại, lái xe, đi xe máy… tránh gây nguy hiểm cho mình và cho người xung quanh.

Nếu tình trạng dị ứng thức ăn xảy ra, người bệnh cần đi khám sớm để được dùng thuốc và xử lý phù hợp. Dị ứng thức ăn tuy là thông thường nhưng không nên xem nhẹ.


DS Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn