1. Các thuốc điều trị thuỷ đậu
Thuỷ đậu là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh rất dễ lây lan và được đặc trưng bởi sốt, nổi mụn nước nhỏ, đỏ, ngứa trên mặt và cơ thể. Hiện không có cách điều trị đặc hiệu cho bệnh thuỷ đậu. Trọng tâm chính là điều trị các triệu chứng và ngăn ngừa nhiễm trùng da thứ phát.
1.1 Thuốc kháng virus
- Tác dụng: Hầu hết trẻ mắc bệnh thủy đậu thường ở dạng nhẹ và tự khỏi. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh thuỷ đậu nặng có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe, bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn thuốc kháng virus đường uống trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu phát ban.
Thuốc cũng được chỉ định ở những bệnh nhân có một hoặc nhiều dấu hiệu sau: ≥14 tuổi, phát ban nặng, đau dữ dội, người hút thuốc, trường hợp lây bệnh thứ cấp trong hộ gia đình, người bị suy giảm miễn dịch, những người có rối loạn da (đặc biệt là bệnh chàm) hoặc bệnh phổi mạn tính.
Thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng nặng và rút ngắn diễn biến của bệnh. Các thuốc kháng virus có hiệu quả chống lại varicella-zoster bao gồm: Acyclovir, valacyclovir và famciclovir.
- Tác dụng phụ: Tác dụng phụ thường gặp của thuốc khi dùng đường uống là buồn nôn, tiêu chảy và nhức đầu.
- Chống chỉ định: Chống chỉ định dùng cho người bệnh mẫn cảm với thuốc. Thận trọng với người suy thận, liều lượng cần được điều chỉnh theo chức năng thận...
1.2 Thuốc hạ sốt
- Tác dụng: Bệnh nhân thuỷ đậu thường có các triệu chứng toàn thân (sốt, nhức đầu, mệt mỏi). Có thể dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, nhưng cần đặc biệt lưu ý, để hạ sốt, không cho trẻ bị thủy đậu sử dụng aspirin hoặc các sản phẩm có chứa aspirin và ibuprofen.
Khi trẻ dùng aspirin có thể gây ra hội chứng Reye – một căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan, não và có thể gây tử vong. Ibuprofen có liên quan đến nhiễm trùng da đe dọa tính mạng.
- Tác dụng phụ: Paracetamol được đánh giá là loại thuốc tương đối an toàn. Tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm gặp, cũng có thể gây dị ứng ở những người có cơ địa mẫn cảm. Các biểu hiện là khó thở, nổi mề đay, sưng môi, lưỡi, mặt, ngoài ra sử dụng liều cao có thể gây tổn thương gan…
- Chống chỉ định: Thuốc có chống chỉ định trong những trường hợp quá mẫn cảm với thuốc; suy gan, suy thận nặng…
1.3 Thuốc giảm ngứa
- Tác dụng: Ngứa là triệu chứng gặp ở hầu hết bệnh nhân bị thuỷ đậu, đặc biệt ở những bệnh nhân có nổi nhiều bóng nước. Thuốc có thể dùng là các thuốc kháng histamin như: Chlopheniramin, loratadine…
Ngoài ra, dùng các thuốc bôi tại chỗ như hồ nước và xanh methylen. Khi nốt phỏng vỡ, chỉ nên bôi thuốc xanh methylen, không được bôi mỡ tetracyclin, mỡ penicilin hay thuốc đỏ. Cũng có thể bôi lên da các dung dịch làm dịu và làm ẩm như dung dịch calamine.
Trên thực tế, đối với tình trạng ngứa do thuỷ đậu, thuốc bôi có thể giảm ngứa hiệu quả, nhưng đồng thời, người bệnh cần chú ý đến thói quen sinh hoạt hàng ngày, tránh ăn một số thực phẩm cay, tránh ăn những thực phẩm có thể gây dị ứng trong thời gian này.
1.4 Thuốc kháng sinh
- Tác dụng: Trong trường hợp bệnh nhân thuỷ đậu có bội nhiễm ở các nốt phỏng, sưng tấy, toàn thân có sốt thì lúc này có thể cân nhắc dùng kháng sinh đường uống như nhóm beta lactam, cephalosporin...
- Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ của thuốc kháng sinh nhóm beta lactam là phản ứng dị ứng như nổi mày đay, phù Quincke, phát ban..., rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn ruột…
- Chống chỉ định: Thuốc chống chỉ định với người có tiền sử sốc phản vệ hoặc các phản ứng phản vệ hoặc phản ứng da nghiêm trọng, như hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử biểu bì nhiễm độc.
2. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị thuỷ đậu
Nếu nghi ngờ mình mắc bệnh thủy đậu, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt. Việc tư vấn của bác sĩ sẽ giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng của mình và làm theo lời khuyên của bác sĩ về việc sử dụng thuốc (như thuốc hạ sốt và chống ngứa) để giảm triệu chứng.
Để tránh bị tổn thương nặng hơn, việc chăm sóc trong quá trình điều trị cũng rất quan trọng. Nếu bị sốt, tốt nhất nên áp dụng các phương pháp vật lý như chườm khăn và uống nhiều nước để hạ sốt. Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống bổ dưỡng, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước đun sôi và nước trái cây.
Để giảm ngứa, có thể sử dụng thuốc chống ngứa thích hợp theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi sử dụng thuốc luôn làm theo hướng dẫn trên nhãn, sử dụng đúng liều lượng. Cần giữ da sạch và khô, tránh nhiễm trùng thứ phát do gãi vùng mụn rộp.
Sau khi bị nhiễm thuỷ đậu, hầu hết các trường hợp đều có triệu chứng nhẹ, nhưng một số bệnh nhân có thể bị nhiễm vi khuẩn ở vết thương. Nhóm nguy cơ cao bao gồm phụ nữ mang thai, những người có hệ miễn dịch yếu nên đặc biệt cẩn thận sau khi bị nhiễm thủy đậu vì họ có nguy cơ cao mắc các biến chứng.
Ngoài ra, nếu bà bầu mắc bệnh thủy đậu trong thời kỳ đầu mang thai còn có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Vì vậy, nên tránh tiếp xúc với những người có nguy cơ cao để giảm nguy cơ nhiễm trùng và mắc bệnh nghiêm trọng.
3. Tiêm vaccine để phòng ngừa thuỷ đậu
Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan và không có cách chữa trị cụ thể nên điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tiêm vaccine thủy đậu kịp thời là cách phòng bệnh thủy đậu khoa học, tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Trong mùa thuỷ đậu cao điểm, nên tránh đến những nơi công cộng đông người, và không đến thăm nhà người bệnh. Nếu các triệu chứng liên quan xảy ra, nên nhanh chóng tìm cách điều trị y tế, giảm tiếp xúc với người khác và nghỉ ngơi tại nhà càng nhiều càng tốt.
Chú ý đến vệ sinh và thông gió. Hình thành thói quen vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thay, giặt, phơi quần áo, ga trải giường thường xuyên, rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp, tránh dùng tay chạm vào miệng, mắt, mũi.
Giữ phòng luôn thông thoáng và mở cửa sổ thường xuyên để thông gió. Sử dụng các phương pháp như phơi nắng hoặc đun sôi để khử trùng đồ dùng cho bệnh nhân.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Seọ sau thủy đậu, làm gì để phòng ngừa?