1. Hội chứng Asperger là gì?
Hội chứng Asperger là một phân nhóm của các rối loạn phổ tự kỷ. Đặc điểm đặc trưng nhất của hội chứng Asperger là khó khăn trong giao tiếp. Ngoài ra, những suy nghĩ và hành vi ám ảnh cũng thường được thấy ở những người mắc hội chứng này.
Những người mắc hội chứng Asperger được phân biệt với các rối loạn phổ tự kỷ khác ở trí thông minh bình thường hoặc vượt trội. Ngoài ra, kỹ năng ngôn ngữ, khả năng trí tuệ cũng khác với các nhóm phổ tự kỷ khác.
Mặc dù hội chứng Asperger được coi là một căn bệnh khi lần đầu tiên được định nghĩa, nhưng ngày nay nó là một rối loạn phát triển được xếp vào nhóm các rối loạn phổ tự kỷ. Hội chứng Asperger thường phổ biến ở bé trai hơn bé gái, trong độ tuổi từ 5 đến 9 và được chẩn đoán trong độ tuổi này.
2. Phương pháp điều trị hội chứng Asperger
Không có cách chữa trị hoặc phương pháp điều trị cụ thể nào hiệu quả nhất đối với những người mắc hội chứng Asperger. Mục đích của bất kỳ phương pháp điều trị nào là hỗ trợ cá nhân mắc hội chứng này học cách quản lý các hoạt động và sinh hoạt hàng ngày.
Phương pháp điều trị lý tưởng cho hội chứng Asperger là kết hợp các liệu pháp, giải quyết những vấn đề phổ biến nhất liên quan đến hội chứng này, bao gồm kỹ năng giao tiếp kém, thói quen lặp đi lặp lại/ám ảnh và kiểm soát cảm xúc.
Các lựa chọn điều trị phổ biến cho những người mắc Hội chứng Asperger bao gồm:
- Đào tạo kỹ năng xã hội: Dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết để tương tác với mọi người xung quanh.
- Liệu pháp hành vi nhận thức: Giúp trẻ quản lý cảm xúc của mình tốt hơn, giảm các hành vi ám ảnh và thói quen lặp đi lặp lại.
- Thuốc: Cho các tình trạng bệnh lý đi kèm như lo lắng, tăng động, hung hăng.
- Vật lý trị liệu: Cho tình trạng phối hợp vận động kém.
- Liệu pháp tâm lý: Cung cấp các chiến lược để xử lý cảm xúc.
- Đào tạo và hỗ trợ cho cha mẹ/người chăm sóc, thành viên gia đình, nhân viên giáo dục, cung cấp các kỹ thuật, chiến lược ứng xử mà họ có thể áp dụng ở nhà và trong môi trường giáo dục.
3. Thuốc dùng trong điều trị hội chứng Asperger
Trong một số trường hợp, thuốc cũng có thể được kê đơn, nhưng phải được bác sĩ chuyên khoa giám sát và đánh giá thường xuyên để kiểm tra hiệu quả.
3.1 Thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương
Những loại thuốc này có thể được chỉ định trong việc điều trị các triệu chứng tăng động và giảm chú ý ở trẻ mắc hội chứng này. Thuốc kích thích như ritalin làm tăng mức độ của hai loại hormone, dopamine và norepinephrine.
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc kích thích bao gồm:
- Giảm cảm giác thèm ăn
- Vấn đề về giấc ngủ
- Đau bụng
- Đau đầu
3.2 Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), có thể giúp kiểm soát tình trạng lo âu và trầm cảm. Một số ví dụ bao gồm:
- Citalopram hydrobromide
- Prozac (fluoxetine hydrochloride)
- Zoloft (sertraline hydrochloride)
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc bao gồm:
- Tăng cân
- Buồn nôn, nôn
- Mệt mỏi
- Tiêu chảy
3.3 Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần như risperidone có thể giúp giảm các hành vi lặp đi lặp lại và suy nghĩ ám ảnh.
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống loạn thần bao gồm:
- Tăng cân
- Tầm nhìn mờ
- Huyết áp thấp
- Động kinh
- Số lượng bạch cầu thấp
- Buồn ngủ, chóng mặt, bồn chồn
- Khô miệng
- Táo bón
- Buồn nôn
4. Một số điều cần lưu ý
Hiện có một số liệu pháp hoặc can thiệp gây tranh cãi, nhưng ít được hỗ trợ bởi các nghiên cứu khoa học. Cha mẹ nên thận trọng trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào chưa được chứng minh. Các can thiệp về chế độ ăn uống có hiệu quả ở một số trẻ, cha mẹ nên cẩn thận theo dõi tình trạng dinh dưỡng của con mình.
Do nguyên nhân gây ra chứng rối loạn này chưa rõ ràng, nên chưa có biện pháp phòng ngừa cụ thể. Phòng ngừa hội chứng Asperger chỉ bao gồm điều trị sớm các triệu chứng đầu tiên; hỗ trợ, sự chăm sóc của gia đình sẽ mang lại kết quả nhất định. Một số trường hợp vẫn có thể tạo dựng gia đình và đạt được thành công trong sự nghiệp.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Tăng động giảm chú ý ở trẻ: Nhận biết và phương pháp điều trị