Cùng với nghỉ ngơi và vật lý trị liệu, thuốc thường là một trong những cách đầu tiên để điều trị đau cổ vai gáy. Có nhiều loại thuốc khác nhau để giảm đau cổ vai gáy và việc sử dụng loại thuốc nào sẽ phụ thuộc vào nguồn gốc của cơn đau (ví dụ, đau do viêm, đau do dây thần kinh bị chèn ép, đau do co thắt cơ…). Điều quan trọng là chọn và kết hợp đúng loại thuốc với nguyên nhân cụ thể gây ra chứng đau cổ vai gáy trên từng cá nhân cụ thể.
Đau cổ vai gáy là tình trạng rất thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra.
1. Thuốc giảm đau
1.1 Acetaminophen
- 1. Thuốc giảm đau
- 1.1 Acetaminophen
- 1.2 Aspirin
- 1.3 Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAID)
- 2. Thuốc giãn cơ, giảm đau
- 3. Thuốc giảm đau có nguyên nhân thần kinh
- 4. Giảm đau, kháng viêm steroid
- 5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau cổ vai gáy
- 5.1 Đối với thuốc giảm đau không kê đơn
- 5.2 Đối với các loại thuốc giảm đau kê đơn
Acetaminophen (chẳng hạn như Tylenol) có hiệu quả giảm đau (dùng trong trường hợp đau nhẹ đến vừa), nhưng không cải thiện tình trạng viêm, nguồn gốc của đau do các tình trạng như viêm khớp, viêm đốt sống… gây ra.
1.2 Aspirin
Aspirin cũng là loại thuốc được sử dụng trong đau cổ vai gáy. Thuốc có sẵn ở một số hàm lượng khác nhau dao động từ 75 đến 325 miligam mỗi viên. Để giảm đau cổ vai gáy, thường dùng hàm lượng 325 mg. Cần đọc hướng dẫn sử dụng để dùng đúng liều khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ nếu người bệnh đang dùng thuốc này lâu hơn bốn tuần.
1.3 Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen… làm giảm đau và giảm sưng bằng cách ức chế phản ứng viêm của cơ thể. Tuy nhiên, các tác dụng phụ bao gồm chảy máu dạ dày, đau dạ dày, thời gian đông máu lâu hơn nếu bạn đang bị chảy máu, tăng huyết áp và giữ nước….
Ở dạng bôi tại chỗ có thể dùng các loại gel và kem để giảm đau tại chỗ như diclofenac. Gel và kem bôi tại chỗ cũng có hiệu quả và chúng không đi kèm với tác dụng phụ mà một số bệnh nhân gặp phải với thuốc giảm đau đường uống.
2. Thuốc giãn cơ, giảm đau
Những loại thuốc này giúp giảm đau cổ vai gáy do co thắt cơ, căng cơ... và thích hợp nhất để sử dụng trong thời gian ngắn. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, thuốc giãn cơ sẽ mất tác dụng sau khoảng hai tuần. Do đó không nên lạm dụng thuốc và chỉ dùng khi có đơn của bác sĩ.
Một số thuốc trong nhóm này bao gồm: Cyclobenzaprine, tizanidine, baclofen…
Một số thuốc giảm đau không kê đơn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như: Buồn ngủ, chóng mặt và lú lẫn, có thể khiến bạn không thể suy nghĩ rõ ràng và làm mất an toàn khi lái xe ô tô hoặc vận hành máy móc.
3. Thuốc giảm đau có nguyên nhân thần kinh
Đau cổ vai gáy do dây thần kinh bị chèn ép hoặc rối loạn dây thần kinh, có thể giảm đau bằng thuốc chống trầm cảm (amitriptyline,fluoxetine, paroxetine, sertraline… ), thuốc chống co giật (gabapentin, phenytoin…) và thuốc phong bế thần kinh (bupivacaine)… Đây là những loại thuốc hoạt động bằng cách can thiệp vào cách não bộ nhận hoặc giải thích tín hiệu đau hoặc bằng cách chặn tín hiệu đau được gửi từ thần kinh bị kích thích.
Các tác dụng phụ đối với thuốc chống trầm cảm và thuốc chống co giật bao gồm lo lắng, bồn chồn, buồn ngủ, khô miệng và tăng cân…
Trước khi sử dụng thuốc cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.
4. Giảm đau, kháng viêm steroid
Steroid là hormone chống viêm mạnh được sử dụng để giảm đau do viêm. Tuy nhiên, loại thuốc này phải được sử dụng hết sức thận trọng vì chúng có nhiều tác dụng phụ đáng lo ngại nếu dùng kéo dài (hơn một tuần) như: Loãng xương, ức chế miễn dịch, tích nước, tăng cân và tăng đường máu…
Thuốc trong danh mục này bao gồm: Dexamethasone, prednisolone, methylprednisolone…
5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau cổ vai gáy
5.1 Đối với thuốc giảm đau cổ vai gáy không kê đơn
Các thuốc giảm đau không kê đơn, người bệnh có thể mua không cần đơn của bác sĩ. Tuy nhiên người bệnh cần nhớ rằng, thuốc nào cũng có thể có tác dụng phụ và có chống chỉ định. Điều này có nghĩa rằng, một số đối tượng nhất định sẽ không được dùng, không nên dùng hoặc nếu dùng cần phải thận trọng và có ý kiến của bác sĩ.
Người bệnh cần đọc kỹ hướng dãn sử dụng thuốc đi kèm thuốc để dùng đúng liều lượng, cách dùng thuốc và những khuyến cáo cần thiết.
5.2 Đối với các loại thuốc giảm đau kê đơn
Các thuốc này chỉ dùng khi có đơn của bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định; lắng nghe cơ thể, theo dõi quá trình dùng thuốc, phát hiện những bất thường có thể xảy ra (có thể là tác dụng phụ của thuốc, tình trạng bệnh tiến triển tốt lên hay xấu đi... ), thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp, kịp thời…
Mời độc giả xem thêm video:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng