Sốt mò do đâu?
Sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do Orientia tsutsugamushi gây ra. Người bị bệnh do vi khuẩn lây truyền từ các loài gặm nhấm mà chủ yều là từ chuột sang người qua ấu trùng của mò Leptothrombidium có mang mầm bệnh đốt.
Người bệnh sốt mò thường có các triệu chứng sốt cao liên tục, kéo dài, đau đầu nhiều, da xung huyết, xung huyết kết mạc mắt, có thể có vết loét và có viêm hạch.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sốt mò có mặt ở 24 tỉnh/thành phía Bắc, chiếm khoảng 39% số ca sốt nhập viện, không rõ nguyên nhân.
Tại Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện 108, đã ghi nhận những ca bệnh sốt mò đến với các biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm não...
Gần đây nhất, tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận nữ bệnh nhân bị sốt cao kéo dài, suy nhược... Trước khi đi bệnh viện 1 tuần, bệnh nhân sốt cao liên tục lên tới 39 độ C, có cơn rét run, đau đầu, đau mỏi toàn thân, đã tự mua thuốc kháng sinh, hạ sốt (không rõ thuốc) điều trị tại nhà. Tuy nhiên tình trạng bệnh không đỡ, người mệt mỏi, đau đầu nhiều...
BSCK2.Bùi Thị Tuyết Mai (khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết: Tình trạng lúc vào người bệnh mệt nhiều, xuất hiện hội chứng nhiễm trùng, mất nước, sốt cao liên tục 38-39,5 độ C; xuất hiện nốt loét điển hình ở vùng cẳng tay trái gần nếp gấp khuỷu, kích thước khoảng 1cm, hình bầu dục, trung tâm có vảy đen, viền đỏ, nổi gờ trên bề mặt da, không đau, không ngứa. Sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán bị sốt mò, hạ natri máu, suy giáp sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ do ung thư tuyến giáp thể nhú, viêm gan do thuốc...
Ngay sau đó, bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị sốt mò, bù nước điện giải, bảo vệ tế bào gan, bù hormone tuyến giáp và điều trị các triệu chứng kèm theo. Sau 5 ngày điều trị tích cực, nguồ bệnh cắt sốt, tỉnh táo, đỡ đau đầu, đau người, nốt loét đóng vảy tiết khô, hết nề đỏ.
Điều trị sốt mò như thế nào?
Phát hiện bệnh kịp thời việc điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên, do bệnh nhân thường chủ quan, không đi khám, tự mua thuốc điều trị tại nhà, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, rất nặng và thường là nguyên nhân gây tử vong như:
- Viêm cơ tim, trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn.
- Viêm phổi, viêm phế quản nặng do bội nhiễm hoặc do chính vi khuẩn Orientia tsutsugamushi gây ra.
- Viêm não màng não, viêm cầu thận.
- Nhiều trường hợp bị viêm gan do dùng thuốc.
Hơn nữa, do bệnh thường được chẩn đoán nhầm với các bệnh cúm, sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết, Leptospirose… dẫn đến điều trị sai cách.
Ngoài ra, BS.Tuyết Mai nhấn mạnh: Đối với các trường hợp mắc kèm theo các bệnh bệnh lý nền như nội tiết - đái tháo đường, suy thượng thận, bệnh tuyến giáp, người bệnh tuổi cao mắc nhiều bệnh phức tạp, suy giảm miễn dịch... việc chẩn đoán và điều trị sốt mò gặp nhiều khó khăn.
Nhiều trường hợp biểu hiện bệnh không điển hình, không tìm thấy nốt loét trên da thường dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, việc tiếp cận chẩn đoán ban đầu và điều trị đúng cách là hết sức quan trọng.
Về điều trị sốt mò nói chung, sốt mò cần được điều trị sớm và đúng phác đồ, nhất là đối với những người có mắc các bệnh lý nền kèm theo để tránh gây ra những biến chứng cấp tính, nguy hiểm. Người bệnh khi thấy các dấu hiệu bất thường cần được đưa tới các cơ sở y tế ngay và tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Điều trị sốt mò bao gồm điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng:
- Điều trị đặc hiệu: Thông dụng và có hiệu quả nhất với sốt mò là phenicol (chloramphenicol) và tetracyclin (doxycycline). Do hai thuốc này chỉ có tác dụng kìm khuẩn chứ không diệt được vi khuẩn nên sau điều trị, vi khuẩn vẫn có khả năng sống và tồn tại trong hạch bạch huyết, ở hệ võng nội mô trong nhiều ngày, nhiều tháng, nên dễ tái phát bệnh. Bệnh nhân cần điều trị bổ sung kháng sinh theo phác đồ để ngăn chặn tái phát. Chẳng hạn, nếu được điều trị sớm trong 3 ngày đầu sốt mò, sau khi ngừng kháng sinh đợt 1 (6 ngày), cần được chỉ định điều trị đợt 2 trong 3-4 ngày.
Sulfamid có tác dụng với Orientia tsutsugamushi nhưng chỉ dùng cho thể nhẹ. Hiện nay thuốc này ít được sử dụng vì trong sốt mò có viêm nội mạc mạch máu dễ gây phù nề, tắc mạch. Nếu điều trị sulfamid dễ gây tổn thương cầu thận, ống thận.
Một số trường hợp sau khi dùng kháng sinh vài ngày nhưng vẫn không hạ được sốt, có thể cần sử dụng liệu pháp kháng sinh phối hợp với corticoid (cortancyl) với liều trung bình ngắn ngày.
- Điều trị triệu chứng: Bệnh nhân sốt cao kéo dài, mất nước và các chất điện giải, ăn uống kém kèm theo đau người đau cơ... do đó cần điều trị các triệu chứng:
+ Bổ sung nước - điện giải: Bằng uống đủ nước và truyền dịch.
+ Trợ tim mạch: Trường hợp người bệnh sốt mò gặp tình trạng viêm cơ tim, viêm nội mạc mạch máu cần dùng các thuốc trợ tim mạch như ouabain, spartein, coramin.
+ Nâng cao sức đề kháng bằng bổ sung vitamin, ăn uống đủ chất.
+ Sử dụng thuốc an thần, thuốc hạ sốt khi sốt cao, mất ngủ.
+ Điều trị bội nhiễm nếu có.
Dự phòng sốt mò bệnh bằng cách nào?
Theo BS.Tuyết Mai, đến nay, bệnh sốt mò chưa có vaccine dự phòng. Tuy nhiên vẫn có thể phòng bệnh qua lối sống. Mò và ấu trùng mò thích sống ở nơi đất xốp, ẩm, mát, trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát, có bụi rậm và cây thấp có quả hạt để cho thú nhỏ - gặm nhấm lui tới. Do đó cách xử lý ổ lây nhiễm thông qua việc phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột, các loài gặm nhấm.
Khơi thông cống rãnh, định kỳ phun thuốc diệt côn trùng 6 tháng/lần. Không nằm hoặc phơi quần áo ở những nơi ẩm ướt để tránh ấu trùng mò bám vào.
Khi vào rừng tham quan hay làm việc chú ý tránh nghỉ ngơi dưới cây cỏ rậm rạp, nhiều cỏ dại, đất mùn; nên mặc quần áo kín đáo, đi giầy cao cổ; dùng thuốc xua đuổi côn trùng bôi vào vùng da trống. Đi về nên thay đồ ngay và tắm rửa sạch sẽ.
Trường hợp đi đến các vùng dịch tễ và xuất hiện sốt cao, đau đầu, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại các hậu quả đáng tiếc.
Mời độc giả xem thêm video:
Sốt xuất huyết có tự khỏi được không? Dấu hiệu nào cho biết đã khỏi bệnh? I SKĐS