1. Bệnh giun móc là gì?
Nhiễm giun sán trong đó có giun móc là một trong những bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến. Có 2 loại giun móc lây nhiễm cho người là Anclostoma duodenale và Necator americanus.
Người nhiễm bệnh thường thải trứng giun qua phân khi đi ngoài. Trứng giun có thể nở ở đất ẩm rồi trở thành ấu trùng. Ấu trùng này xâm nhập qua da, thường là do đi chân không, thông qua đường máu đến phổi và ruột. Một số người có thể nhiễm bệnh do ăn phải thức ăn hoặc uống nước có nhiễm khuẩn.
Nhiễm giun móc thường gây ra các triệu chứng:
- Thiếu máu
- Đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn.
- Dị ứng (phát ban, nổi mề đay)
- Suy dinh dưỡng và chậm phát triển (đặc biệt ở trẻ em).
Nhiễm giun móc nếu không điều trị sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm phúc mạc, viêm ruột thừa, thiếu máu nhược sắc, giảm protein máu kèm theo rối loạn tim mạch… Vì vậy cần chẩn đoán và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe.
2. Thuốc điều trị nhiễm giun móc
Để điều trị giun móc hiệu quả, đặc biệt là trẻ em, cần được bác sĩ khám và chỉ định dùng thuốc. Không nên tự dùng thuốc vì không biết chính xác liều lượng, tác dụng phụ của thuốc sẽ không có lợi cho người bệnh. Dưới đây là thông tin chi tiết về các loại thuốc và cơ chế hoạt động:
2.1 Thuốc albendazole
Albendazole là một loại thuốc dùng để điều trị nhiều loại bệnh nhiễm ký sinh trùng, bao gồm cả giun đũa, giun móc. Thuốc giết chết ký sinh trùng bằng cách can thiệp vào quá trình tổng hợp protein của chúng.
Albendazole thường được dùng bằng đường uống. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy và chóng mặt, nhưng không phải ai cũng gặp phải những tác dụng phụ này.
Liều dùng được chỉ định mang tính chất tham khảo là 400 mg uống 1 liều duy nhất trong 1 ngày. Có thể điều trị lại sau 3 tuần. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Liều dùng cho trẻ em trên 2 tuổi là 200 mg 1 liều duy nhất uống trong 1 ngày.
Khi dùng thuốc tránh dùng chung với thực phẩm nhiều chất béo để đảm bảo hiệu quả. Tránh ăn bưởi hoặc nước ép bưởi khi dùng thuốc vì có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc. Không nên sử dụng albendazole cho phụ nữ có thai, đặc biệt trong ba tháng đầu của thai kỳ, vì thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.
2.2 Thuốc mebendazole
Mebenzole có hiệu quả chống lại nhiều loại giun, bao gồm giun tròn và giun móc. Mebenzole tác động lên cấu trúc bên trong của giun, cản trở quá trình chuyển hóa năng lượng của giun. Thuốc thường được dùng bằng đường uống và hấp thu tốt, diệt giun trong ruột hiệu quả.
Trong khi sử dụng mebenzole, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ như nhức đầu, tiêu chảy hoặc đau bụng.
Liều khuyến nghị cho người lớn là 100mg/lần, uống 2 lần/ngày và dùng trong 3 ngày. Đối với thuốc mebenzadole 500 mg thì chỉ cần liều duy nhất 1 viên. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Đối với trẻ em, liều khuyến cáo dựa trên trọng lượng cơ thể.
Nên uống sau bữa ăn để đảm bảo hấp thu thuốc tốt. Trong thời gian dùng thuốc cần tránh các thực phẩm có nhiều chất béo để đảm bảo hiệu quả. Ngoài ra, tránh tham gia vào các hoạt động đòi hỏi mức độ tỉnh táo cao, như vận hành máy móc hoặc lái xe.
Mebendazol không nên dùng cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, người bị bệnh gan và những người quá mẫn với mebendazol.
2.3 Thuốc pyrantel pamoate
Thuốc có tác dụng ức chế thần kinh cơ đối với ký sinh trùng đường ruột, gây tê liệt giun đũa, giun móc... và đào thải ra khỏi cơ thể một cách an toàn. Thuốc có tác dụng phụ là: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy; chóng mặt, đau đầu; phát ban da.
2.4 Thuốc levamisole
Levamisole có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa kỵ khí của giun, làm chúng tê liệt, ngăn chặn sự di chuyển của giun.
Tác dụng phụ: Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; chóng mặt, đau đầu, mất ngủ. Tác dụng phụ hiếm gặp: Giảm bạch cầu, dị ứng da. Do tính an toàn nên ngày nay levamisole ít được sử dụng. Levamisole thường được sử dụng khi các thuốc khác không hiệu quả, hoặc có kháng thuốc.
2.5 Điều trị hỗ trợ bổ sung
- Bổ sung sắt: Điều trị thiếu máu do giun móc gây ra. Sắt được bổ sung dưới dạng viên uống hoặc dung dịch uống, với liều lượng tùy thuộc vào mức độ thiếu máu.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc
Khi sử dụng thuốc điều trị giun móc, có một số lưu ý quan trọng mà người bệnh cần chú ý để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh tác dụng phụ không mong muốn.
- Tuân thủ liều lượng và thời gian điều trị: Cần sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian được bác sĩ chỉ định để đảm bảo hiệu quả điều trị.
- Theo dõi tác dụng phụ: Người bệnh cần chú ý đến các triệu chứng bất thường có thể xảy ra sau khi dùng thuốc nên báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
- Bảo quản thuốc đúng cách: Để thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ cao. Đọc hướng dẫn bảo quản trên bao bì thuốc. Tránh sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu biến đổi (như màu sắc, mùi vị bất thường).
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Trong quá trình điều trị, cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cải thiện tình trạng thiếu máu và sức khỏe tổng thể. Hạn chế thực phẩm có thể gây kích ứng dạ dày hoặc ruột, như đồ ăn cay, chua, nhiều dầu mỡ trong thời gian điều trị.
- Vệ sinh và phòng ngừa: Ở những vùng có nguy cơ cao, việc tẩy giun định kỳ bằng thuốc tẩy giun là quan trọng. Giữ vệ sinh cá nhân tốt, bao gồm rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc trực tiếp với đất bẩn để ngăn ngừa tái nhiễm.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Nhiễm giun sán.