Bệnh lao ruột do nhiễm trùng Mycobacterium tuberculosis, thường là sau khi tiếp xúc với dịch hô hấp của người mắc bệnh. Vi khuẩn này có thể di chuyển từ phổi đến đường tiêu hóa thông qua hệ thống máu và bạch huyết hoặc nuốt phải đờm bị nhiễm bệnh.
Người bệnh thường bị đau bụng, giảm cân, sốt, thay đổi thói quen đi tiêu, tiêu chảy phổ biến hơn táo bón, buồn nôn, nôn, nhợt nhạt, thiếu máu, chướng bụng, cổ trướng, gan lách to, hạch bạch huyết sưng, khối u bụng. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị ho dai dẳng có máu hoặc chất nhầy, mệt mỏi, kiệt sức.
Lao ruột có thể dẫn đến một số biến chứng, bao gồm: Tắc ruột, thủng, rò, áp xe, kém hấp thu, thiếu hụt dinh dưỡng, vô sinh và biến chứng sinh sản, thiếu máu. Nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể tử vong.
1. Các thuốc điều trị lao ruột
Hầu hết các hướng dẫn hiện tại đều khuyến nghị điều trị lao ruột tương tự như liệu pháp được sử dụng cho bệnh lao phổi kéo dài trong 6 tháng hoặc hơn. Tuy nhiên, để tránh tái phát có thể cần phải kéo dài liệu trình. Do đó, mỗi bệnh nhân nên được đánh giá trên cơ sở cá nhân.
Các phác đồ dài hơn có những nhược điểm:
- Bệnh nhân có thể thấy khó tuân thủ thuốc hơn;
- Nguy cơ tác dụng phụ trong thời gian dài hơn;
- Chi phí cho hệ thống y tế và bệnh nhân cao hơn.
Các thuốc thường dùng bao gồm:
1.1. Isoniazid
Tác dụng: Là thuốc chống lao có tính đặc hiệu cao, chống lại vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Thuốc được lựa chọn dùng trong dự phòng và điều trị lao. Đây là thuốc chính được dùng trong liệu pháp phối hợp để điều trị trường hợp bệnh lao đang hoạt động.
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây độc tính với gan, gây bệnh thần kinh ngoại biên.
1.2. Rifampicin
Tác dụng: Thuốc có hiệu quả trong điều trị lao, dùng kết hợp với các thuốc chống lao khác để điều trị bệnh lao đang hoạt động.
Tác dụng phụ: Rifampcin làm nước tiểu có màu đỏ hoặc đỏ cam và có thể gây đau khớp. Nên uống thuốc khi đói, trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ.
1.3 Pyrazinamide
Tác dụng: Thuốc giúp chống lại vi khuẩn lao ở giai đoạn đầu của quá trình điều trị.
Tác dụng phụ: Pyrazinamide có thể gây độc tính với gan.
1.4. Ethambutol
Tác dụng: Thuốc được chỉ định để điều trị lao và tái phát lao, cần được dùng phối hợp với các thuốc chống lao khác để ngăn chặn kháng thuốc.
Tác dụng phụ: Ethambutol có thể gây sốt, đau khớp, viêm dây thần kinh thị giác.
Lưu ý: Các triệu chứng của nhiễm độc gan bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, nước tiểu sẫm màu, vàng da, phát ban, ngứa, mệt mỏi, sốt, khó chịu ở bụng (đặc biệt là khó chịu ở góc phần tư trên bên phải), dễ bị bầm tím hoặc chảy máu và đau khớp. Để kiểm soát những tình trạng này, bắt buộc phải theo dõi chức năng gan, bổ sung pyridoxine (vitamin B6) để ngăn ngừa bệnh thần kinh ngoại biên và kiểm tra thị lực thường xuyên.
1.5. Aminoglycoside
Tác dụng: Aminoglycoside (amikacin, kanamycin, hoặc capreomycin) là nhóm kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn. Hiện streptomycin không còn được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh lao do tỷ lệ tác dụng phụ cao và tình trạng kháng thuốc toàn cầu ngày càng tăng.
Tác dụng phụ: Các thuốc nhóm này có thể gây ảnh hưởng đến tiền đình và thính giác, kéo dài tác dụng phụ cùa thuốc ức chế thần kinh…
1.6. Fluoroquinolone
Tác dụng: Fluoroquinolone (levofloxacin, moxifloxacin hoặc gatifloxacin) được khuyến cáo trong điều trị lao đa kháng thuốc.
Tác dụng phụ: Các thuốc nhóm này có thể gây viêm, đứt gân, vỡ động mạch chủ, nhịp tim không đều, ù tai, các vấn đề về thị lực, phát ban da, yếu và đau cơ…
Ngoài ra có thể dùng các thuốc khác như: Ethionamide hoặc prothionamide, cycloserine, axit para-aminosalicylic.
Lưu ý: Khuyến cáo phương pháp điều trị ban đầu bao gồm phối hợp 5 loại thuốc trong khoảng 6 tháng, sau đó là giai đoạn tiếp tục ít nhất 4 loại thuốc trong 9 đến 12 tháng nữa. Việc lựa chọn thuốc nên dựa trên khả năng chi trả của bệnh nhân, tác dụng phụ, tình trạng lâm sàng, bệnh đi kèm, khả năng dung nạp thuốc và độ nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể cần thiết trong trường hợp biến chứng như tắc nghẽn, thủng và rò ruột. Các lựa chọn phẫu thuật được phân loại thành ba nhóm chính:
- Phẫu thuật cắt bỏ các đoạn ruột bị ảnh hưởng: Các thủ thuật này không được thực hiện thường quy vì chúng thường phức tạp do hội chứng quai mù, hình thành lỗ rò và bệnh tái phát ở các đoạn còn lại.
- Cắt bỏ hoàn toàn các đoạn bị ảnh hưởng: Các lỗ thủng ruột do lao thường được điều trị bằng cách cắt bỏ các đoạn bị ảnh hưởng và nối thông chính (có thể kết hợp với liệu pháp trị lao). Tuy nhiên, các ca phẫu thuật này bị cản trở bởi tình trạng suy dinh dưỡng của hầu hết bệnh nhân.
- Phẫu thuật bảo tồn (như phẫu thuật thắt hẹp) trong các trường hợp thắt hẹp gây tổn thương lòng ruột hơn 50%. Phẫu thuật có thể cần thiết ở những bệnh nhân bị thắt hẹp dai dẳng trong khi đang áp dụng liệu pháp chống lao, cũng như những bệnh nhân bị thắt hẹp nhiều lần ít có khả năng đáp ứng với liệu pháp.
3. Lưu ý khi điều trị lao ruột
Để đảm bảo điều trị lao ruột an toàn, hiệu quả, người bệnh cần thực hiện:
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Không tự ý thay đổi hay ngưng dùng thuốc khi chưa được chỉ định.
- Tái khám đúng lịch.
- Thực hiện các biện pháp chống lao: Đeo khẩu trang nơi đông người, che mũi miệng khi ho, hắt xì, đảm bảo phòng làm việc thông thoáng…
- Trong thời gian điều trị nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có cách xử trí kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Một số xét nghiệm chẩn đoán lao phổi phổ biến hiện nay | SKĐS