Thuốc nào điều trị đau mắt do biến chứng bệnh sởi?

28-03-2025 13:00 | Dược
google news

SKĐS - Virus sởi có thể gây đau mắt, thậm chí có thể dẫn tới mù lòa, do đó cần phòng ngừa bệnh bằng tiêm vaccine. Đối với những người mắc sởi nên được điều trị sớm và chăm sóc đúng cách để tránh biến chứng...

1. Các tình trạng đau mắt do bệnh sởi

Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng về thị lực, bao gồm:

- Viêm kết mạc: Với biểu hiện đặc trưng là đỏ và chảy nước mắt, xuất hiện cùng với sốt cao... tình trạng này có thể tự thuyên giảm sau vài ngày.

- Viêm loét giác mạc: Khi bị nhiễm khuẩn khiến mắt đỏ, đau, cảm giác có dị vật trong mắt. Vết loét có dạng đốm trắng hoặc mờ, xám trên giác mạc. Vết loét khi lành có thể để lại sẹo, gây mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn.

- Viêm dây thần kinh thị giác: Đây là biến chứng hiếm gặp, xuất hiện ở bệnh nhân sởi có biến chứng viêm và sưng não. Viêm dây thần kinh thị giác có thể gây mất thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Các biến chứng mắt do sởi gặp nhiều hơn ở nhóm bệnh nhân dưới 5 tuổi và trên 30 tuổi. Nếu biến chứng tiến triển nặng sẽ có nguy cơ mù lòa. Đặc biệt là đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và không được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ.

Ở trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A sẽ bị khô mắt dễ làm tổn thương giác mạc và võng mạc, cùng với virus sởi gây ra các vấn đề về mắt, giảm nồng độ vitamin A xuống rất thấp, không đủ bảo vệ đôi mắt. Ở người không được tiêm phòng vaccine sởi đầy đủ, nguy cơ mắc bệnh nặng hơn và dễ dẫn đến các biến chứng hơn.

Thuốc nào điều trị đau mắt do biến chứng bệnh sởi?- Ảnh 1.

Vệ sinh mắt thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn.

2. Phòng và điều trị biến chứng mắt do sởi

Phòng bệnh

Biến chứng mắt do bệnh sởi có thể phòng ngừa hoàn toàn, trong đó chủ động phòng bệnh bằng tiêm chủng vaccine đủ mũi, đúng lịch là biện pháp đơn giản, an toàn, dễ thực hiện và không hề tốn kém.

Biện pháp phòng ngừa thụ động bằng cách ăn uống đủ chất, nâng cao sức khỏe; vệ sinh cá nhân và môi trường; có lối sống lành mạnh... và phòng thiếu hụt vitamin A qua chế độ ăn hằng ngày. Trẻ em và phụ nữ sau sinh cần uống vitamin A trong ngày uống vitamin A toàn quốc.

Thuốc nào điều trị đau mắt do biến chứng bệnh sởi?- Ảnh 2.

Cho trẻ uống vitamin A trong Ngày uống vitamin A toàn quốc.

Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, đóng vai trò trong quá trình phát triển thị giác, hệ miễn dịch và tăng trưởng ở trẻ. Chính vì vậy, việc bổ sung định kỳ giúp bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên cả nước.

Ngày uống vitamin A toàn quốc là một chiến dịch y tế công cộng do Bộ Y tế Việt Nam tổ chức nhằm bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em và phụ nữ sau sinh. Mục tiêu chính là giảm thiểu tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ em và phụ nữ sau sinh, giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt, đặc biệt là mù lòa.

Theo đó, các đối tượng cần bổ sung vitamin A bao gồm:

  • Trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi tại tất cả các tỉnh, thành phố.
  • Trẻ em từ 6 - 59 tháng tuổi tại các khu vực khó khăn, miền núi.
  • Phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng.

Trẻ em và phụ nữ thuộc các nhóm nguy cơ thiếu vitamin A cao, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Chiến dịch này diễn ra hai lần trong năm, vào tháng 6 và tháng 12, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của trẻ em và ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.

Chăm sóc và điều trị cụ thể

Đối với bệnh sởi, nếu gia đình đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Cần lưu ý việc vệ sinh và dinh dưỡng đầy đủ kèm với theo dõi chặt chẽ bệnh để sớm phát hiện các dấu hiệu biến chứng. Nếu chăm sóc vệ sinh và dinh dưỡng kém sẽ góp phần làm bệnh nặng hơn.

Điều trị bệnh sởi theo phác đồ của Bộ Y tế, trường hợp có các biến chứng ở mắt, cần áp dụng các biện pháp:

+ Khi bị viêm kết mạc, cần vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý. Khi tình trạng mắt đỏ, ngứa, giữ cho trẻ không dụi mắt. Không dùng tay trực tiếp lấy rỉ mắt mà cần dùng bông/gạc y tế với nước muối ấm để rửa mắt để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

+ Khi có biến chứng loét giác mạc - đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh sởi, thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc thiếu vitamin A. Điều trị loét giác mạc do bệnh sởi thường bao gồm:

Bổ sung vitamin A: Đây là một phần quan trọng trong điều trị, giúp giảm nguy cơ biến chứng và hỗ trợ phục hồi giác mạc. Bổ sung vitamin A đã được chứng minh làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi. Ngoài ra thiếu vitamin A có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù lòa.

Thuốc nào điều trị đau mắt do biến chứng bệnh sởi?- Ảnh 4.

Thực phẩm giàu vitamin A.


Theo phác đồ điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế, uống ngay vitamin A theo liều sau:

  • Trẻ dưới 6 tháng: Uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp
  • Trẻ 6 -12 tháng: Uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp
  • Trẻ trên 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): Uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
  • Trẻ suy dinh dưỡng nặng hoặc thiếu vitamin A hoặc biến chứng nặng: Lặp lại liều trên sau 4-6 tuần.

Bổ sung vitamin A cho người lớn: Dựa trên bằng chứng từ nghiên cứu ở trẻ em và lý thuyết về lợi ích của bổ sung vitamin A, có khả năng vitamin A cũng có giá trị trong điều trị bệnh sởi ở người lớn, đặc biệt là ở những nhóm người có nguy cơ thiếu hụt vitamin A. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nghi ngờ thiếu vitamin A chỉ nên được điều trị với liều thấp nhưng thường xuyên hơn để tránh nguy cơ gây quái thai; cân nhắc dùng vitamin A ở phụ nữ có thai khi có biểu hiện thiếu vitamin A.

Kháng sinh hoặc thuốc kháng viêm: Được sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng thứ phát.

Giữ vệ sinh mắt: Rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc theo chỉ định của bác sĩ để làm sạch và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Điều trị hỗ trợ: Bao gồm việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và điều trị các triệu chứng khác của bệnh sởi...

Mời độc giả xem thêm video:

Dấu hiệu bệnh sởi tiến triển nguy hiểm cha mẹ cần đưa trẻ đến viện ngay | SKĐS


BS.Hoàng Thị Cúc
Ý kiến của bạn